1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hoài bão xuyên thế hệ

Mỗi lần gặp anh, tôi lại được nghe anh “dốc bầu tâm sự” về dự án xã hội hóa lợn giống ở Việt Nam. Vẫn như kiểu “Tôi có một giấc mơ...”, nhưng lần này, anh nói: “Tôi có một hoài bão xuyên thế hệ...”. Và hoài bão đó đang được thực hiện, bắt đầu, và sẽ xuyên suốt bằng tấm lòng yêu quê hương, đất nước.

“Ai rồi cũng đến đoạn cuối của cuộc đời”

Mỗi Việt kiều yêu nước mà tôi gặp ở Australia đều có cách suy nghĩ và kế hoạch hành động riêng trong việc góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Tôi đặc biệt ấn tượng với tấm lòng và dự án được coi là xuyên thế hệ của anh Phan Văn Danh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia. Bên tách trà nóng, anh phấn khởi thông báo về dự án lớn của đời mình trong việc phối hợp nâng cao chất lượng ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam và những bước đầu thực hiện. Điều dễ nhận thấy, và cũng rất ý nghĩa, anh đang thúc đẩy dự án đóng góp vào sự phát triển của đất nước với tâm thế của người đang tìm một di sản để các thế hệ sau thay anh tiếp tục thực hiện.
 
Hoài bão xuyên thế hệ
Anh Phan Văn Danh (thứ hai từ trái qua) trong cuộc gặp nhân chuyến thăm Australia của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Quang Minh - P/v TTXVN tại Australia)

Hoài bão của anh Danh là xã hội hóa lợn giống ở Việt Nam để mang lại lợi nhuận lớn nhất cho người chăn nuôi. Anh nói: “Người có thể chết, nhưng tư duy không chết”. Trăn trở với ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam, anh Danh đề ra một số kế hoạch, trong đó chú trọng tới chất lượng con giống. Theo anh, con giống tốt là điều cơ bản nhất, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí cho người chăn nuôi. Hiện anh có một trang trại nuôi lợn giống ở Đồng Nai, đang được thử nghiệm các thành tựu công nghệ mới để khẳng định chất lượng con giống thông qua sức khỏe và năng suất của chúng. Bên cạnh đó, anh cũng cung cấp thuốc dinh dưỡng thú y, chăn nuôi nhập từ Canada để giúp người chăn nuôi cải thiện sức khỏe con giống.

Trong một buổi vận động quyên góp ủng hộ các chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa tại Australia, anh Danh đã nêu sáng kiến gửi 200 con lợn giống mỗi năm ra đảo.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, anh Danh lên kế hoạch xây dựng một trại lợn giống lớn của Canada nuôi tại Việt Nam, vừa để xuất khẩu vừa để cung cấp cho người chăn nuôi trong nước. Anh chọn Canada vì nước này có trình độ chăn nuôi lợn tiên tiến bậc nhất thế giới, có công nghệ lâu đời, chuyên xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Anh so sánh: “Thế mạnh của Australia là bò, còn lợn thì phải là Canada, Mỹ hay châu Âu”. Anh Danh đã có kế hoạch liên hệ với đối tác ở Canada để cung cấp lợn giống cho Trung tâm quản lý lợn giống ở Canada. Theo anh, việc thả con giống tốt đẳng cấp quốc tế sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh trong ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất.

Nhằm tăng tính thực tế cho người làm công tác chăn nuôi, anh Danh có ý định đầu tư đưa sinh viên hoặc người làm trang trại ra nước ngoài cọ xát, sau đó về cải thiện và mở rộng mô hình nuôi lợn, đồng thời đào tạo để có một đội ngũ trưởng trại “vừa hồng vừa chuyên”. Anh nhắc đi nhắc lại với tôi về cái tâm của người làm trong ngành chăn nuôi lợn, về sự đối xử tình người, gắn bó, tôn trọng lẫn nhau giữa những người lao động và với người tiêu dùng. Về lâu dài, anh cũng muốn lập một quỹ để xây dựng một Trung tâm quản lý giống lợn của Việt Nam và hỗ trợ người lao động... Quỹ này sẽ hoạt động ngay cả khi anh đã trở về với cát bụi. Anh tâm sự: “Ai rồi cũng đến đoạn cuối của cuộc đời, anh sẽ tạo ra những điều mới mẻ, chuẩn bị tất cả để dự án của mình được thế hệ sau tiếp tục thực hiện. Cá nhân anh ủng hộ, đồng hành và khuyến khích các thế hệ sau đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước”.

Đưa lợn giống ra đảo

Trong một buổi vận động quyên góp ủng hộ các chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa tại Australia, anh Danh đã nêu sáng kiến gửi 200 con lợn giống mỗi năm ra đảo. Sau khi làm việc với đầu mối đưa hàng ra đảo cho các chiến sỹ ở Trường Sa, Hoàng Sa, các anh sẽ lên kế hoạch đưa số hàng đặc biệt này ra đảo, vừa cung cấp thịt cho chiến sỹ và cư dân trên đảo, vừa tận dụng phân bón để làm vườn. Đây cũng là cách để những người trên đất liền, những Việt kiều như anh thể hiện sự chăm lo, tình cảm trân trọng đối với các chiến sỹ ngoài hải đảo.

Với việc lựa chọn con giống tốt để đưa ra đảo, song song với việc hướng dẫn xây dựng chuồng trại một cách khoa học, anh Danh hy vọng dần dần có thể thành lập một trại lợn giống ngoài đảo. Đây là môi trường lý tưởng cho lợn giống vì chúng được cách ly với dịch bệnh, khỏe mạnh và cho năng suất cao. Mô hình nhân rộng sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận, và biết đâu sẽ có những thương vụ bất ngờ đến với chiến sỹ và ngư dân trên đảo.

Chắp cánh cho sáng kiến này, anh Trần Bá Phúc - Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia - cho biết Hội đang phối hợp với các bên liên quan để thực hiện kế hoạch đưa lợn giống ra đảo. Hiện Hội đang kêu gọi các “mạnh thường quân” mỗi quý mua khoảng 50 con lợn giống được “bán vốn” để gửi cho các chiến sỹ, ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhấm nháp ly trà, anh Danh tâm sự: “Trời cho anh sống, em sẽ thấy sự thay đổi trong ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam”. Tôi biết, dự án góp phần “nâng cấp” ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam theo tiêu chuẩn anh đề ra đã được ấp ủ từ lâu. Dự án đó có thể tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của để thực hiện, nhưng tôi nhìn thấy sự quyết tâm và nhiệt huyết tràn đầy nơi anh. Điều cơ bản là dự án đó đã có cơ sở để chuyển động. Và hoài bão của anh có nhiều cơ hội trở thành hiện thực vì nó được tạo nên trên nền tảng là lòng yêu nước xuyên suốt các thế hệ.

Theo Đỗ Vân/baotintuc.vn