1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hóa thạch 47 triệu năm "rọi sáng" về thủy tổ loài người

(Dân trí) - Các nhà khoa học tại New York hôm qua đã công bố hoá thạch niên đại 47 triệu năm của một sinh vật giống loài vượn cáo mà họ cho rằng đó có thể là tổ tiên chung của loài người, khỉ và các loài động vật linh trưởng khác.

Xem video:
 

 
Sinh vật tương đối nhỏ, có tên khoa học là Darwinius masillae nhưng thường được gọi với biệt danh Ida, sống cách đây 47 triệu năm. Hoá thạch được bảo tồn hoàn hảo tới nỗi người ta có thể nhìn thấy dấu vết lông trên cơ thể và thậm chí là dấu vết bữa ăn cuối cùng. Bộ xương chỉ khuyết một bộ phận nhỏ ở chân.

Hoá thạch đã được công bố trong một cuộc họp báo tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên New York và sẽ là đề tài cho một bộ phim tài liệu dự kiến được phát sóng trên kênh History Channel, BBC và các kênh truyền hình khác.

Ida được các nhà sưu tầm cá nhân phát hiện vào năm 1983 tại một kho tàng hoá thạch tên gọi Messel Pit gần Darmstadt, Đức. Tuy nhiên, do không hiểu được tầm quan trọng của hoá thạch nên họ đã cắt bộ xương thành 2 phần.
 
 
Hóa thạch 47 triệu năm "rọi sáng" về thủy tổ loài người - 1
Chuyên gia Jorn Hurum tại buổi công bố hoá thạch Ida.
 
Một nhóm các nhà khoa học, dẫn đầu là giáo sư Jorn Hurum, chuyên gia hoá thạch Na Uy, đã nghiên cứu Ida trong suốt 2 năm. Họ tin rằng Ida là mắt xích bị khuyết giữa các loài động vật linh trưởng - khỉ, vượn và con người - và các họ hàng xa hơn.

Ông Hurum cho rằng hoá thạch là "mắt xích gần nhất đưa chúng ta tới tổ tiên trực tiếp" và miêu tả phát hiện là "một giấc mơ đã thành hiện thực".

Ida sống trong kỷ Eocene cách đây khoảng 40 triệu năm, thời kỳ quan trọng đối với sự phát triển các loài động vật linh trưởng thời kỳ đầu. Thoạt nhìn, Ida giống loài vượn cáo.
 
 
Hóa thạch 47 triệu năm "rọi sáng" về thủy tổ loài người - 2
Ida trông giống loài vượn cáo.
Nhưng nhóm nghiên cứu kết luận rằng Ida không đơn giản là một loài vượn cáo mà là một họ mới. Họ gọi sinh vật này với tên khoa học là Darwinius masillae để ghi nhớ nguồn gốc của nó và đánh dấu dịp kỷ niệm 200 ngày sinh của nhà tự nhiên học và sinh vật học người Anh Charles Darwin.

Mặc dù sở hữu chiếc đuôi dài nhưng Ida có vài đặc điểm giống con người như có ngón cái đối diện, chân và tay ngắn, mắt hướng về phía trước. Tuy nhiên, Ida thiếu hai đặc điểm cơ bản của loài vượn cáo hiện đại: móng vuốt và hàm răng dưới.

Hóa thạch 47 triệu năm "rọi sáng" về thủy tổ loài người - 3

David Attenborough, nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh, nhận xét rằng Ida cho thấy mối liên hệ giữa loài người và tất cả các loài động vật có vú. "Mắt xích mà các nhà khoa học vẫn nói là bị khuyết thì nay không còn khuyết nữa", ông nói.

Ida cũng giúp con người hiểu phần nào về một kỷ nguyên, khi đó thế giới đang hình thành hình dạng như ngày hôm nay, khi khủng long tuyệt chủng, dãy Himalaya hình thành và một loạt các loài động vật có vú phát triển trong những cánh rừng rộng lớn.

An Bình
Theo BBC, AP