Hòa bình tại Syria - kỳ vọng đối lập thực tế
Việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tham chiến tại Syria làm lóe lên tia hy vọng về một nền hòa bình được vãn hồi tại đất nước Trung Đông này.
Nga và Mỹ - hai quốc gia bảo trợ cho tiến trình hòa bình tại Syria. (Ảnh: AFP)
Nhưng dường như, sự thiện chí của các bên chưa đủ để kiềm chế một thực tế đau lòng: súng vẫn nổ và máu vẫn chảy tại quốc gia đang khát khao hòa bình Syria.
Đổ vỡ...
Ngày 3/10, chỉ ít ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Nga và Mỹ hậu thuẫn có hiệu lực, Mỹ tuyên bố chấm dứt hợp tác song phương với Nga về ngừng bắn tại Syria, với cáo buộc Nga không tuân thủ các cam kết của mình. Động thái này được coi như dấu mốc đổ vỡ của việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn, dập tắt hy vọng mong manh về một nền hòa bình cho Syria.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định "lấy làm tiếc về quyết định đơn phương của Washington ngừng mọi cuộc đối thoại với Moskva nhằm vãn hồi hòa bình cho Syria".
Bộ Ngoại giao Nga lưu ý về các cuộc điện đàm trong vài ngày qua giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cũng như thông qua các kênh ngoại giao của hai nước tại Geneva, đã cho thấy những nỗ lực hết sức nhằm ổn định tình hình tại thành phố Aleppo của Syria, nơi các nhóm vũ trang bất hợp pháp đã phá vỡ lệnh ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian trước đó.
Nga cũng cáo buộc Mỹ không thực hiện nhiều thỏa thuận đã đạt được hôm 9/9 về việc rút quân, mở đường cho các hoạt động nhân đạo, trong khi chính quyền Syria với thiện chí đã sẵn sàng để thực hiện các thỏa thuận ngừng chiến. Nga đặt dấu hỏi phải chăng Mỹ không muốn hoặc không thể tác động tới các phe phái mà Mỹ gọi là "các nhóm đối lập ôn hòa" được Mỹ bảo trợ ở Syria, cũng như Mỹ "không quan tâm đến nhu cầu nhân đạo của người dân Syria".
Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Mỹ chưa bao giờ thực sự gây áp lực để các nhóm đối lập ở Syria tôn trọng các thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán nhằm đem lại hòa bình cho Syria.
Trước đó, phát biểu ngay sau quyết định của Mỹ, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin khẳng định mối tiếp xúc giữa Nga và Mỹ nhằm giải quyết vấn đề Syria là không thể thay thế và Moskva lấy làm tiếc về quyết định của Washington.
Liên quan tới quyết định trên của Mỹ, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đã bày tỏ thất vọng sâu sắc về sự đổ vỡ trong đàm phán giữa Mỹ và Nga về Syria, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm đem lại giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.
Lệnh ngừng bắn vẫn bị vi phạm
Thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được là kết quả của những nỗ lực vượt qua hàng loạt lập trường khác biệt trong việc giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài 5 năm qua tại Syria giữa Nga và Mỹ. Theo thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được Nga ủng hộ và những nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn sẽ ngừng hành động thù địch kể từ ngày 12/9/2016, sau đó lệnh ngừng bắn sẽ được gia hạn thêm 2 ngày, để cho phép đưa hàng viện trợ vào các thành phố đang bị bao vây.
Bên cạnh đó, Mỹ và Nga cũng bắt đầu thiết lập một cơ chế chung để chia sẻ thông tin nhằm vào các nhóm khủng bố liên quan tới Al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo các điều khoản, nếu như lệnh ngừng bắn này được tuân thủ nghiêm túc trong 7 ngày, Mỹ và Nga sẽ tiến hành một chiến dịch phối hợp oanh kích nhằm vào các phiến quân thánh chiến ở Syria, trong khi không quân Syria không được phép bay trên vùng trời các khu vực mà quân nổi dậy kiểm soát.
Hồi tháng 5/2016, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thảo luận về đề xuất của Moskva liên quan đến việc tiến hành chiến dịch chung để đối phó các nhóm phiến quân không tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Syria.
Theo đó, sẽ tiến hành các chiến dịch chung giữa không quân Nga và lực lượng không quân của liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, nhằm chống Mặt trận Al Nusra có liên hệ với Tổ chức khủng bố al-Qaeda và các nhóm vũ trang có cùng tư tưởng cực đoan. Các cuộc không kích chung cũng sẽ nhằm vào các đoàn xe chứa vũ khí và đạn dược, trong đó có những đoàn xe quân sự xâm nhập Syria qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, đề xuất này lúc đó đã không được Mỹ chấp thuận bởi những bất đồng liên quan các phe phái đối địch ở Syria mà hai bên hậu thuẫn, chưa kể còn động chạm đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đồng minh của Mỹ. Đáp lại đề xuất của Nga, Mỹ kêu gọi Moskva gây sức ép để lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria al-Assad ngừng không kích nhằm vào lực lượng đối lập tại Aleppo và ngoại ô Damascus, trong khi Nga khẳng định các vụ không kích này là nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố.
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn lịch sử tại Syria bắt đầu có hiệu lực, quân đội Syria đã thông báo ngừng mọi hoạt động quân sự trong vòng 7 ngày.
Phía Mỹ ghi nhận, bạo lực giảm trong hai giờ đầu tiên. Tuy nhiên, ngày 14/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã thừa nhận tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn từ cả hai phía ở Syria bất chấp lệnh ngừng bắn .
Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Syria, súng đạn vẫn nổ và các điều khoản trong thỏa thuận thì vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để.
Aleppo - điểm đối đầu ác liệt không chỉ giữa các phe phái tại Syria
Từ ngày 22/9/2016, quân đội Syria đã phát động cuộc tấn công quân sự mới nhằm giành lại quyền kiểm soát các khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm giữ tại thành phố Aleppo, đồng thời khuyến cáo người dân tránh xa những vị trí các tay súng nổi dậy chiếm đóng. Quân đội cũng yêu cầu chính quyền ở Aleppo có mọi biện pháp để tạo điều kiện về chỗ ở cho những dân thường đang rời khỏi các khu vực do những tay súng nổi dậy và các phần tử khủng bố chiếm giữ.
Ngay sau thông báo của quân đội Syria, các cuộc không kích và pháo kích của quân đội Syria và lực lượng đồng minh nhằm vào các khu vực do các tay súng nổi dậy kiểm soát đã diễn ra dữ dội. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền tại Syria, các cuộc không kích và pháo kích này đã khiến 30 dân thường, trong đó có 3 trẻ em thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Ngày 24/9, quân đội Syria và lực lượng đồng minh đã giành quyền kiểm soát trại Handarat - nơi ở của người tị nạn Palestine khu vực phía Bắc thành phố Aleppo, đồng thời siết chặt vòng vây tại khu vực phía Đông thành phố chiến lược này.
Việc nắm quyền kiểm soát trại Handarat đánh dấu bước tiến quan trọng đầu tiên trong chiến dịch tấn công tổng lực của quân chính phủ nhằm giành lại quyền kiểm soát Aleppo. Trại Handara đối diện một trong những trục đường chính đi vào Aleppo, và do lực lượng đối lập chiếm giữ nhiều năm nay. Đại diện quân đội Syria xác nhận chiến dịch trên đã tiêu diệt một lượng lớn phần tử khủng bố.
Đến ngày 27/9, lực lượng của quân đội chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát quận trung tâm cổ Farafira, phía Bắc thành phố Aleppo. Nhiều tay súng đã bị tiêu diệt trong các trận giao tranh, trong khi đó, đội rà phá bom mìn vô hiệu hóa bom bên đường hướng về Farafira.
Nằm ở phía Tây Bắc Syria, Aleppo, được coi là thành phố chiến lược và quan trọng đối với các bên tham chiến bởi đường biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và một thời từng là trung tâm kinh tế của Syria. Kể từ giữa năm 2012, Aleppo bị chia cắt với việc quân đội chính phủ kiểm soát phía Tây trong khi phía Đông thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập.
Với Chính phủ Syria, giành lại được Aleppo đồng nghĩa với việc có được hành lang bảo đảm an toàn cho cả vùng duyên hải phía Tây - được xem là căn cứ địa của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assa. Từ bàn đạp Aleppo, quân đội Syria cũng sẽ có điều kiện thuận lợi mở các cuộc tấn công nhằm thẳng vào thành phố Raqqa, cứ địa của Tổ chức IS, đánh chiếm các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát.
Quan trọng hơn, nếu chiếm được Aleppo khi đã được Nga bảo trợ, Tổng thống Syria Assad đương nhiên sẽ trở thành một chủ thể trong các cuộc đàm phán về hòa bình của Syria sau này. Nói cách khác, việc giải phóng Aleppo sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tại Syria.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của quân đội chính phủ là lực lượng này tuy có thể dễ dàng giành được quyền kiểm soát các khu vực bằng hỏa lực của Nga nhưng sau đó lại gặp nhiều khó khăn để giữ các vị trí đã giành được. Nhiều ý kiến quan ngại, thực tế này có thể khiến quân đội chính phủ Syria không đủ sức áp đặt kết cuộc cho Aleppo và tiếp tục đẩy quốc gia Trung Đông này vào tình trạng bất ổn.
Quan điểm khác biệt - hòa bình mong manh
Trước tình hình chiến sự ác liệt tại Aleppo, ngày 26/9, Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn. Cuộc họp này đã diễn ra hết sức căng thẳng khi Mỹ và nhiều nước châu Âu cùng chỉ trích Nga về chiến dịch quân sự tại Syria.
Trong khi đó, đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cáo buộc phía Mỹ đã không có khả năng buộc các nhóm đối lập Syria mà Washington ủng hộ thực hiện lệnh ngừng bắn cũng như không tách được các nhóm ôn hòa ra khỏi các nhóm khủng bố. Ông Churkin tuyên bố, vào thời điểm này, đem lại hòa bình cho Syria gần như là nhiệm vụ không thể thực hiện. Theo ông, trên lãnh thổ Syria có hàng chục nhóm vũ trang lớn nhỏ đang hoạt động. Do vậy, lệnh ngừng bắn đổ vỡ đã thúc đẩy các nhóm vũ trang này có cơ hội hoạt động mạnh mẽ hơn.
Không thể phủ nhận việc Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận ngừng bắn lần này đã mở ra nhiều hy vọng cho cộng đồng quốc tế, bởi đây là lần đầu tiên cả hai cường quốc đạt được thỏa thuận toàn diện về vấn đề Syria.
Tuy nhiên, việc thỏa thuận ngừng bắn trên vẫn bị vi phạm sau 3 ngày có hiệu lực đã cho thấy một thực tế rằng giữa Mỹ và Nga vẫn có sự chia rẽ rất lớn trong vấn đề then chốt: Nga muốn duy trì quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al Assad trong bất kỳ thỏa thuận nào, trái ngược với lợi ích của Mỹ và các nhóm đối lập liên kết tại Syria.
Bên cạnh đó, một vấn đề bất đồng khác giữa hai nước là việc xác định đâu là nhóm đối lập “ôn hòa” ở Syria và đâu là những tổ chức thánh chiến có liên hệ với khủng bố. Người ta cho rằng, Mỹ và Nga có thể sẽ vẫn còn bất đồng trong việc đưa những nhóm nổi dậy nào vào danh sách khủng bố và mục tiêu của các cuộc không kích sau này.
Trong khi đó, các nhà phân tích còn cho rằng, ngay cả khi Mỹ và Nga vẫn nỗ lực theo đuổi đến cùng một nền hòa bình cho Syria thì giữa các bên tham chiến ở Syria hiện vẫn đang tồn tại một sự nghi kỵ. Tuy phe nổi dậy đã nhất trí những nguyên tắc cơ bản của thỏa thuận như thiết lập các hành lang nhân đạo, nhưng thực tế họ vẫn lo ngại về việc giám sát lệnh ngừng bắn cũng như khả năng thỏa thuận này sẽ giúp củng cố chính quyền của ông Assad, vốn đang chiếm ưu thế trên chiến trường.
Trong những tháng gần đây, chính quyền Syria của Tổng thống Assad đã cải thiện đáng kể vị thế quân sự, bao vây hoàn toàn các vùng kiểm soát của phe nổi dậy tại thành phố lớn nhất Syria là Aleppo và giành lại hai khu vực trọng yếu sát thủ đô Damascus. Những tiến triển trên của chính quyền Syria khiến không ít người cho rằng quân đội của Tổng thống Assad hoàn toàn có thể giải quyết cuộc chiến bằng giải pháp quân sự. Do đó, người ta cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Mỹ vừa đạt được chỉ mang tính chất dựa trên sự thiện chí và mức độ tin cậy của các bên liên quan./.
Theo Tấn Vũ
Đảng Cộng sản Việt Nam