1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hỗ trợ của Đan Mạch góp phần đem lại sự thành công của Việt Nam

(Dân trí) - Hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong 15 năm qua và khoản hỗ trợ phát triển không hoàn lại trị giá khoảng 825 triệu USD dành cho Việt Nam trong giai đoạn này đã góp phần đem lại sự thành công trong phát triển của Việt Nam cũng như sự tăng trưởng trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.


Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Ulla Tørnæs (thứ hai từ phải sang) trong chuyến thăm Việt Nam từ 4-5/5/207 (Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Ulla Tørnæs (thứ hai từ phải sang) trong chuyến thăm Việt Nam từ 4-5/5/207 (Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, thông tin trên được đưa ra trong báo cáo đánh giá độc lập về quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Đan Mạch trong giai đoạn 2000-2015, được Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Đan Mạch công bố vào tháng 5/2017.

Báo cáo nhằm nêu ra các kết quả và kinh nghiệm hợp tác phát triển, đồng thời phân tích sự chuyển đổi của quan hệ đối tác từ hỗ trợ phát triển trở thành hợp tác rộng lớn và toàn diện hơn.

Đan Mạch là một trong những nhà tài trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam từ năm 1993, với số tiền hỗ trợ phát triển không hoàn lại trị giá khoảng 825 triệu USD (5,5 tỉ cua-ron Đan Mạch) trong giai đoạn 2000-2015.

Theo báo cáo, Đan Mạch là nhà tài trợ chính trong lĩnh vực thủy sản - và hỗ trợ của Đan Mạch đã rất thành công. Tuy nhiên, báo cáo còn cho thấy những kết quả ấn tượng ở tất cả các lĩnh vực hỗ trợ khác của Đan Mạch bao gồm môi trường-biến đổi khí hậu, nước-vệ sinh, quản trị công-quyền con người, văn hóa, kinh doanh...

4 lĩnh vực hợp tác chiến lược

Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã mở rộng đáng kể trong 15 năm qua. Tổng trị giá thương mại hai chiều đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2005, và tăng gấp đôi kể từ năm 2012. Đầu tư từ Đan Mạch vào Việt Nam tăng gần ba lần trong vòng 10 năm qua.

Sự hợp tác phát triển giữa hai nước cũng giúp thu hút các công ty Đan Mạch tới Việt Nam. Hiện nay, có 135 công ty Đan Mạch đang kinh doanh tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, năng lượng sạch, công nghệ thông tin truyền thông, điện tử và phần mềm, vận tải hàng hải và hậu cần, thực phẩm. Theo đánh giá của báo cáo, trong các quốc gia châu Âu, Đan Mạch đã đạt mức xuất khẩu hàng hóa cao nhất vào Việt Nam, tính trên đầu người vào năm 2015.

"Việt Nam là một ví dụ về phát triển vô cùng mạnh mẽ, và chúng tôi rất tự hào khi được đóng góp vào quá trình này", Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Ulla Tørnæs cho biết trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. Bộ trưởng cũng khẳng định rằng “Đan Mạch sẽ tiếp tục là một đối tác cam kết và tích cực của Việt Nam trong tương lai”.

Theo bà Tørnæs, các trọng tâm chính trong hỗ trợ của Đan Mạch sắp tới bao gồm giai đoạn mới trong hợp tác song phương về năng lượng, và 4 lĩnh vực hợp tác chiến lược: an toàn thực phẩm, môi trường, các bệnh do lối sống, và đào tạo nghề.

Năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch ký kết Hiệp định Hợp tác Toàn diện (CPA) nhằm đưa ra một khung hợp tác chính thức sau giai đoạn Hợp tác Phát triển truyền thống. Thỏa thuận này tập trung tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, thương mại, và hướng đến sự hợp tác chặt chẽ hơn về giáo dục, môi trường và khí hậu.

An Bình