1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hồ sơ vũ khí bắn chặn của Mỹ (2)

53 tỉ USD là ngân sách dành cho kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa bắn chặn của Mỹ. Đây là chi phí cao nhất đối với một chương trình quốc phòng của Mỹ nhưng hiệu quả thì “hãy đợi đấy”.

Cuối thập niên 1960, Mỹ bắt đầu nhận ra tính thiết yếu của phản ứng kịp thời từ hiểm họa tên lửa đối phương. Tháng 12/1969, Aegis (viết tắt từ Advanced Electronic Guidance Information System) ra đời, được sản xuất từ Lockheed Martin, trong khuôn khổ chương trình tên lửa bắn chặn (anti-ballistic missile, ABM), chuyên dùng trong cuộc chiến tiêu diệt ICBM đối phương. Hải quân Mỹ hiện có 15 tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis (tính đến tháng 6/2006, USS Lake Erie, USS Shiloh và USS Port Royal đều được lắp hệ thống bắn chặn). Đây là một trong những chương trình dài hơi của quân đội Mỹ.

 

Cũng trong hệ thống ABM, thập niên 1960-1970, Mỹ tung ra hệ thống Nike X, gồm hai tên lửa, giàn rađa và giàn điều khiển. Phiên bản Nike Zeus (sau đó đổi tên thành Spartan) được thiết kế có thể phá đầu đạn đối phương với loạt tia X bắn vào khí quyển (dùng bắn chặn tên lửa tầm xa). Mỹ còn phát triển tên lửa Sprint thế hệ mới có tốc độ cực nhanh (tăng tốc lên 13.000 km/giờ chỉ trong 4 giây) cũng thuộc hệ thống ABM.

 

Hiệu quả của Patriot chưa đến 10%!

 

Tiếp đó, quân đội Mỹ thay thế hệ thống Nike Hercules bằng Patriot (do hãng Raytheon chế tạo). Patriot (không phải mang nghĩa “ái quốc” như được tưởng mà là từ viết tắt của Phased Array Tracking to Intercept Of Target), được trang bị một trong những hệ thống rađa được đánh giá là hiệu quả nhất của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ.

 

Hệ thống Patriot có bốn chức năng chính: liên lạc, chỉ huy, do thám và điều khiển đường bay tên lửa (toàn bộ hệ thống được lắp đặt và khai hỏa sau 45 phút). Tầm hoạt động rađa Patriot là 100 km và cùng lúc có thể nhận biết 100 tên lửa địch. Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa (Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3).

 

Trong cuộc chiến Vùng Vịnh 1991, Patriot ra trận lần đầu tiên với nhiệm vụ bắn chặn tên lửa Scud và tên lửa Al Hussein của Iraq. Sau vài sứ mạng thành công, Patriot đã khiến Bộ Quốc phòng Mỹ thất vọng. Ngày 25/2/1991, một tên lửa Scud bắn trúng doanh trại Mỹ tại Dharan (Saudi Arabia), làm thiệt mạng 28 lính Mỹ.

 

Điều tra sau đó cho thấy lỗi phần mềm trong hệ thống đồng hồ của Patriot là nguyên nhân khiến không thể bắn chặn được tên lửa Scud. Bộ pin Patriot tại Dharan lúc đó đã hoạt động 100 giờ, thời điểm mà hệ thống đồng hồ bị lệch 1/3 của một giây. Với một tên lửa nhanh như Scud, điều đó tương đương với việc Patriot bắn lệch mục tiêu đến 600 m (trong thực tế, radar Patriot đã phát hiện được tên lửa đối phương nhưng bởi lỗi đồng hồ nên giàn bắn Patriot lại nhìn về hướng không có mục tiêu!).

 

Trong chuyến ghé nhà máy sản xuất Patriot tại Andover (Massachusetts) thời điểm chiến sự Vùng Vịnh lần thứ nhất, Tổng thống George H. Bush tuyên bố, trong 42 Scud được bắn, Patriot bắn chặn được 41 (tỉ lệ thành công 97%). Tuy nhiên, ngày 4/7/1992, Theodore Postol thuộc Viện Kỹ thuật Massachusetts và Reuven Pedatzur thuộc Đại học Tel Aviv tường trình trước một ủy ban Quốc hội Mỹ rằng tỉ lệ bắn chặn thành công của Patriot không đến 10% và thậm chí 0%! Tiểu ban về lập pháp và an ninh quốc gia thuộc Hạ viện cuối cùng tung ra báo cáo, khẳng định “hệ thống Patriot không thành công trong cuộc chiến Vùng Vịnh”.

 

Trong cuộc chiến Vùng Vịnh 2003, Patriot ra trận lần thứ hai. Báo cáo hậu chiến cho thấy Patriot “cực kỳ thành công” trong việc bắn chặn được ít nhất 8 TBM (tên lửa đạn đạo chiến thuật) của Iraq đồng thời bắn chặn được tất cả 11 TBM Iraq bay về phía các căn cứ quân sự lực lượng đồng minh (trong đó có bộ chỉ huy Sư đoàn không kỵ 101). Hai loại TBM của Iraq là Al Samoud-2 và Ababil-100, đều bị Patriot bắn gục. Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến Vùng Vịnh 2003, Iraq chẳng bắn quả tên lửa tầm xa nào và một tên lửa tương đối “thô sơ” – CSS-C-3 Seersucker – cũng bắn trúng mục tiêu thuộc lực lượng đồng minh mà chẳng hề bị Patriot bắn chặn. Tệ hơn, Patriot còn bắn nhầm “phe ta”: bắn cháy chiếc RAF Tornado GR4A của Anh và chiếc F/A-18 Hornet của Mỹ!

 

53 tỉ USD và được gì?

 

Dù thế nào, Washington cũng không từ bỏ chương trình lá chắn phòng thủ. Hệ thống phòng thủ chiến lược quốc gia Mỹ hiện gồm giàn tên lửa bắn chặn và ra đa đặt tại Alaska (với 10 tên lửa có khả năng bắn chặn, tính đến thời điểm hiện nay). Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn liên tục thử nghiệm các hệ thống bắn chặn.

 

Tháng 10/2002, một tên lửa bắn chặn từ giàn phóng Ronald Reagan đã tiêu diệt được mục tiêu ở độ cao 225 km trên Thái Bình Dương. Sau thành công này, ngày 16/12/2002, Tổng thống George W. Bush ký Sắc lệnh tổng thống an ninh quốc gia số 23, phác họa kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa bắn chặn, với ngân sách (2004-2009) khoảng 53 tỉ USD (nhiều nhất đối với một chương trình quốc phòng Mỹ trước nay).

 

Tính đến cuối năm 2005, Mỹ đã triển khai 8 giàn tên lửa bắn chặn tại Ft. Greely (Alaska) và hai giàn khác tại căn cứ không quân Vandenberg (California). Tuy nhiên, giới phân tích quốc phòng Mỹ tiếp tục hồ nghi về tính hiệu quả (thất bại ở lần thử nghiệm vào tháng 12/2004 và tháng 2/2005) cũng như đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tổn phí, đặc biệt chương trình thiết lập hệ thống bắn chặn từ trên không (đặt ở quỹ đạo Trái đất). Một trong những hệ thống mới được tập trung nghiên cứu gần đây là ABL (Airborne laser – súng laser bắn từ không trung). Theo nghiên cứu, ABL có thể bắn chặn được tên lửa địch trong phạm vi 300 km đối với tên lửa nhiên liệu rắn hoặc 600 km đối với tên lửa nhiên liệu lỏng.

 

Trên thế giới hiện có hàng trăm nhà tỉ phú nhưng không phải ai cũng ăn xài như ông hoàng bà chúa. Nhiều người vẫn còn trẻ đưa ra thông điệp “hãy làm giàu và sống khiêm tốn”.

 

- Tháng 12/1999, Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ ngưng chương trình phòng thủ tên lửa. Tất nhiên Mỹ bỏ phiếu phủ quyết, cùng Albania, Israel và Micronesia (các thành viên Liên hiệp châu Âu, trừ Pháp và Ireland, đều bỏ phiếu thuận). Tháng 12/2001, Mỹ tuyên bố đơn phương từ bỏ Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ký năm 1972 giữa Tổng thống Richard Nixon và lãnh đạo Liên Xô Leonid I. Brezhnev).

 

- Kỹ thuật quân sự thế giới hiện có tổng cộng ba hệ thống ABM chiến thuật dùng trong đối kháng tên lửa tầm ngắn: Patriot và Aegis của Mỹ và Arrow của Israel.

 

Phần I

Theo Lê Thảo Chi
Người lao động