1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hồ sơ tước quốc tịch lại chia rẽ chính trường Pháp

(Dân trí) - Ngày 23/12, Tổng thống Pháp François Hollande vẫn giữ nguyên quyết định trong Dự thảo cải cách Hiến pháp về việc tước quốc tịch những người song tịch, kể cả những người sinh ra tại Pháp mà bị kết án vì tội khủng bố.

Hồ sơ tước quốc tịch lại chia rẽ chính trường Pháp - 1

Tỏng thống Pháp Francois Hollande sau cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng tại Điện Elysée, ngày 23/12/2015. (Ảnh AFP)

Quyết định trên của ông Hollande bị nhiều chỉ trích và đang gây chia rẽ chính trường nước Pháp.

Dự thảo cải tổ Hiến pháp này sẽ được trình Quốc hội để thảo luận, có thể là vào đầu tháng 2/2016. Để được thông qua, văn bản phải được đa số 3 phần 5 số nghị sĩ Quốc hội lưỡng viện ủng hộ. Phát biểu trên truyền hình tối 23/12, Thủ tướng Manuel Valls bày tỏ tin tưởng Quốc hội Pháp sẽ bỏ phiếu thuận.

Chính phủ Pháp đã ban hành tình trạng khẩn cấp ngay sau loạt vụ tấn công khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tại Paris trong đêm 13/11, làm 130 người thiệt mạng. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực cho đến ngày 20/2/2016.

Trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp, không cần lệnh của cơ quan tư pháp, cảnh sát Pháp có quyền lục soát, quản thúc tại gia và giải tán các hiệp hội nếu những cá nhân, hiệp hội đó bị tình nghi là "đe dọa an ninh công cộng".

Cho tới nay chế độ đặc biệt này chỉ được quy định theo một đạo luật và như vậy nó có thể bị Hội đồng Hiến pháp bác bỏ. Nhưng nếu tình trạng khẩn cấp được đưa vào Hiến pháp thì không ai có thể đặt lại vấn đề về tính hợp hiến của biện pháp này.

Nhưng từ hơn một tháng qua, một số giới chức cấp cao, nhất là thuộc cánh tả vẫn chỉ trích việc ban hành tình trạng khẩn cấp vì cho rằng biện pháp này không những không hiệu quả trong nỗ lực chống khủng bố, mà ngược lại còn dẫn đến nhiều hành động lạm quyền như qua những vụ việc được báo chí đưa tin.

Kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris, theo thống kê của bộ Nội vụ Pháp, cảnh sát đã thực thi tổng cộng khoảng 3.000 vụ khám xét, câu lưu gần 350 người, tạm giữ gần 300 người và giam giữ khoảng 50 đối tượng. Nhưng trong số đó có rất ít người thật sự có liên quan đến khủng bố.

Dẫu vậy, gây nhiều tranh cãi hơn cả là dự án của Chính phủ về việc tước quốc tịch Pháp đối với những người song tịch sinh tại Pháp mà bị kết án về các tội ác đe dọa tính mạng người dân, trong đó có hành động khủng bố. Cho tới nay chỉ những người đã nhập quốc tịch mới có thể bị tước quốc tịch Pháp.

Hiện nay ở Pháp có 3,5 triệu người mang hai quốc tịch Pháp và nước ngoài. Từ năm 2007 đến nay đã có 7 người bị tước quốc tịch như vậy.

Việc mở rộng diện có thể bị tước quốc tịch sang những người sinh tại Pháp là điều mà phe đối lập cánh hữu và cánh cực hữu yêu cầu, nhưng nó đã gây nhiều tranh cãi bên phía cánh tả. Do bị chỉ trích như vậy nên lúc đầu Chính phủ của Tổng thống Hollande đã rất do dự.

Ngày 22/12/2015 Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira tuyên bố là điều khoản về việc tước quốc tịch Pháp không nằm trong dự thảo của chính phủ, nhưng chỉ một ngày sau Tổng thống Hollande cuối cùng cũng đã quyết định giữ lại điều khoản này.

Hồ sơ tước quốc tịch lại chia rẽ chính trường Pháp - 2

Tổng thống Francois Hollande và Bộ trưởng Tư Pháp Chritiane Taubira (trái) tại Điện Elysée ngày 15/5/2014. (Ảnh: Le Figaro)

Phe đối lập cánh hữu ngay lập tức đưa ra yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Taubira phải từ chức vì cho rằng bà đã không còn được Tổng thống tin tưởng. Nhưng từ phía Xã hội, một số người chỉ trích quyết định trên của Tổng thống Hollande, cho rằng biện pháp tước quốc tịch "làm ô danh cánh tả và nước Pháp", đồng thời tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống dự án bị xem là "mang tính cực hữu" của chính phủ. Đảng bảo vệ môi sinh EELV cũng coi biện pháp tước quốc tịch là "đáng xấu hổ".

Dù bị chỉ trích như vậy, Chính phủ của Tổng thống Hollande vẫn quyết tâm với lựa chọn được cho là phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là vì vào những ngày nghỉ lễ cuối năm mối đe dọa khủng bố càng cao. Vụ mới nhất vừa bị lực lượng an ninh phá vỡ tại thành phố Orleans hai ngày trước.

Quý Cao (theo RFI)