1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hiệu quả đột phá của vắc xin Covid-19 chống biến chủng Delta

Thành Đạt

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới tại Singapore cho thấy khả năng hết virus nhanh chóng ở những người mắc Covid-19 nhưng được tiêm vắc xin trước đó.

Hiệu quả đột phá của vắc xin Covid-19 chống biến chủng Delta - 1

Một người dân được tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Brattleboro Memorial ở Brattleboro, Vermont, Mỹ vào tháng 5 (Ảnh: NYT).

Nghiên cứu mới đã được tiến hành với 201 người ở Singapore bị nhiễm biến chủng Delta, trong đó có 71 người đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 và 130 người còn lại chưa được tiêm vắc xin. Những người đã được tiêm chủng sử dụng vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.

Theo Alex Cook, phó trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock, nghiên cứu cho thấy những người nhiễm bệnh được tiêm vắc xin hết virus trong khoảng 7 ngày, trong khi những người chưa tiêm vắc xin mất tới 14 ngày. Ông Alex đề xuất thời gian cách ly ngắn hơn hoặc thậm chí cách ly tại nhà đối với nhóm người đã được tiêm vắc xin.

David Kochman, nhà khoa học tại một công ty công nghệ sinh học Mỹ, cho biết có bằng chứng cho thấy "vào khoảng ngày thứ 10, những người đã tiêm vắc xin có nguy cơ lây nhiễm thấp".

Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu trên cho thấy đối với những người đã được tiêm vắc xin theo công nghệ mRNA, khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn, do vậy thời gian cách ly sẽ ngắn hơn. 

Trong khi các nghiên cứu chỉ ra rằng, vắc xin mRNA giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với virus, bao gồm việc chống lại một số biến chủng, các chuyên gia trên toàn thế giới khẳng định tất cả các loại vắc xin Covid-19 đều có mức độ hiệu quả nhất định.

Kết quả nghiên cứu tại Singapore được công bố trong bối cảnh một số quốc gia, nơi có hơn một nửa dân số được tiêm chủng đầy đủ như Anh và Mỹ, xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm "đột phá" (những người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc Covid-19). Tuy vậy, số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 không còn tăng nhanh như làn sóng Covid-19 đầu tiên vào năm ngoái. 

Mặc dù vậy, Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ cho biết, với sự lây lan của biến chủng Delta như hiện nay, các nước cần phải có hơn 80%, thậm chí gần 90% dân số được tiêm phòng đầy đủ để có thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Singapore đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 80% dân số trước tháng 9, khi nước này chuyển sang chính sách coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu, để có thể mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Tỷ lệ tiêm chủng của Singapore là 63% tính đến ngày 2/8.

Hiện có nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả đáng kể của vắc xin Covid-19. Vắc xin cho đến nay vẫn được xem là công cụ hiệu quả nhất để ngăn dịch lây lan và tránh gây ra những thiệt hại về sau.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây công bố một báo cáo cho thấy, vắc xin Covid-19 rất hiệu quả trong việc ngăn chặn người bị bệnh nặng và tử vong. Theo đó, có chưa tới 0,004% người đã tiêm chủng đầy đủ bị mắc Covid-19 nghiêm trọng tới mức phải nhập viện và chỉ 0,001% người mắc Covid-19 sau khi tiêm vắc xin đã tử vong. 

Các chuyên gia khẳng định rằng, những người đã tiêm đủ vắc xin sẽ được bảo vệ rất tốt trước nguy cơ chuyển biến nặng. Ví dụ, trong làn sóng lây lan chủng Delta thời gian qua, Mỹ ghi nhận phần lớn các ca bệnh mới và ca nhập viện là những người chưa tiêm chủng.

Nghiên cứu do Quỹ Kaiser Family thực hiện cho thấy, những người Mỹ đã tiêm đủ mũi vắc xin chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số ca mắc Covid-19 thời gian qua. Theo dữ liệu của CDC, gần 57,5% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin và 49,5% dân số đã tiêm đầy đủ 2 liều.