1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Hiệp hai" của cuộc đọ sức Trung Quốc - Philippines

Hôm 24-11, Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc bắt đầu tổ chức cuộc điều trần kín, kéo dài đến ngày 30-11, để nghe các bên liên quan trình bày lập luận trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Giới phân tích cho rằng cuộc điều trần này là “hiệp hai” của cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Philippines.


Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc không được quốc tế công nhận

Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc không được quốc tế công nhận

Các nước Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được cử đại diện tham dự phiên điều trần với tư cách quan sát viên. Trong tuyên bố khai mạc buổi điều trần, Tòa Trọng tài Thường trực nhắc lại tuyên bố có đủ thẩm quyền xem xét một số nội dung đơn kiện của Philppines, bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Tòa không đủ thẩm quyền để xét xử vụ kiện này. Chiểu theo Phụ lục số VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tòa Trọng tài Thường trực sẽ nghe Philippines điều trần về phần nội dung của 7 đề nghị do phía Manila đưa ra, gác lại 7 đề nghị khác để xem xét sau. Bên cạnh đó, Tòa Trọng tài Thường trực còn đề nghị Philippines thu gọn và làm rõ đề nghị thứ 15 để có cơ sở xem xét về nội dung.

Cuộc điều trần này được tổ chức theo đề nghị của Philippines và diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo với quy mô lớn ở Biển Đông. Theo quy định của UNCLOS, các hòn đảo tự nhiên có người sinh sống được hưởng các quyền chủ quyền như lãnh thổ đất liền, đồng thời có quyền tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên theo quy chế pháp lý của đảo.

Tuy nhiên, trong bản đệ trình lên Tòa Trọng tài, Philippines cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông được bao quanh cái gọi là “Đường 9 đoạn” là đi ngược lại UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý do các tuyên bố này đã vượt quá phạm vi giới hạn được quy định trong UNCLOS.

Luật sư của Philippines Paul Reichler khẳng định, căn cứ vào UNCLOS, cái mà Trung Quốc cho là chủ quyền lịch sử tại Biển Đông “không hề tồn tại”. Một luật sư khác đại diện cho Philippines, ông Andrew Loewenstein, cho rằng Trung Quốc đã “không đáp ứng được các điều kiện về việc xác lập tuyên bố chủ quyền”. Theo luật sư Loewenstein, Trung Quốc đã không hành xử “quyền độc quyền kiểm soát trong một thời gian dài” tại Biển Đông. Ông đã trình ra 8 tấm bản đồ, trong đó có một tấm từ thời nhà Minh, cho thấy vùng nằm bên trong “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc chưa bao giờ được ghi nhận là lãnh thổ Trung Quốc.

Trung Quốc chưa bao giờ định nghĩa một cách rõ ràng các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển chiến lược ở Biển Đông - nơi có khoảng 1/3 các hoạt động giao thương về dầu mỏ của thế giới thường xuyên qua lại khu vực này. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng chúng cho mục đích quân sự. Philippines hy vọng rằng với việc đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế, các phán quyết của tòa sẽ tạo áp lực để Trung Quốc kiềm chế trong tham vọng chủ quyền ở Biển Đông.

Trước các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đầu năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực. Ngày 16-3-2015, Philippines đã nộp lên Tòa bộ hồ sơ 3.000 trang - phần bổ sung cho tài liệu 4.000 trang đã gửi đến Tòa từ một năm trước đó. Đến tháng 7, Tòa Trọng tài tổ chức hai vòng điều trần để nghe Philippines phản bác các lập luận của Trung Quốc được nêu trong văn kiện lập trường công bố từ cuối năm 2014. Trong thông báo ngày 29-10 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực khẳng định có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines.

Theo Hồng Ngọc

An ninh thủ đô