Hết thời nhân công giá rẻ ở Trung Quốc
Huang Xin Xu, 20 tuổi, sống cùng 7 cô gái khác tại một phòng trong ký túc xá ở quận Jiading ở Thượng Hải. Cô từ tỉnh Hồ Nam đến thành phố này cách đây hai năm.
Huang làm việc 54 giờ một tuần trong một nhà máy điện tử của Singapore và được trả gần 150 USD mỗi tháng. Nhưng khi trở về quê nhà vào dịp Tết này, cô sẽ không trở lại nữa.
"Sống ở Thượng Hải tốn hơn sống ở quê tôi rất nhiều vì thế công ty phải trả thêm lương cho tôi nếu muốn giữ tôi ở lại", Huang cho biết.
"Công ty cũng nên có nơi ăn chỗ ở tốt hơn cho công nhân bởi chẳng ai muốn sống mãi trong ký túc xá mà giá thuê nhà bên ngoài thì quá đắt", cô nói.
Trường hợp như của Huang là khá phổ biến. Đa số những công nhân làm việc trong các nhà máy ở bờ biển phía đông của Trung Quốc đến từ các tỉnh ở sâu hơn trong đất liền, nơi không có nhiều cơ hội việc làm. Hầu hết những người này làm việc vài năm rồi trở lại quê nhà. Do đó, mỗi năm các nhà máy của Trung Quốc mất từ 5% đến 50% số công nhân.
Nhà máy Flextronics nơi Huang làm việc có khoảng 4.000 công nhân và 92% trong số đó đến từ nơi khác. Công ty không nói rõ bao nhiêu công nhân bỏ nhà máy mỗi năm nhưng cho biết mỗi nhân công ở đây thường làm trung bình chỉ ba năm. Nói cách khác, họ buộc phải thay 1/3 số nhân lực mỗi năm.
Buồn chán và đắt đỏ
Ở thành phố biển Tô Châu, tình hình còn tồi tệ hơn. Tại công ty Alteams sản xuất điện thoại di động Nokia và Erickson của Phần Lan, phải mất một năm để dạy nhân viên mới các điều hành những chiếc máy nặng nề. Trong khi đó, công nhân ở đây làm trung bình chưa đầy hai năm.
Công ty có chính sách tăng 8% lương hàng năm để khuyến khích công nhân ở lại lâu hơn nhưng tỷ lệ bỏ việc vẫn "khủng khiếp", phó giám đốc công ty Ted Hornbein cho hay.
Hornbein cho biết ông mong muốn chính quyền địa phương có biện pháp khuyến khích lao động nhập cư lập nghiệp tại khu vực họ làm việc. "Ngoài công việc ra thì ở Tô Châu, họ chẳng có gì để làm cả", ông cho biết.
"Không có nhiều sân bóng, không có nhiều bể bơi nên nếu bạn muốn đến những chỗ đó, bạn phải trả rất nhiều tiền. Vấn đề nhà ở cũng vậy, nhiều công nhân phải thuê nhà của dân", Hornbein nói.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều cho rằng điều kiện sống là mối quan tâm hàng đầu của công nhân. Giáo sư Ding Jin Hong, chủ tịch khoa dân số học tại đại học Đông Trung Hoa, đã tiến hành nghiên cứu và lấy ký kiến của 800.000 công nhân ở Thượng Hải.
"Hầu hết các lao động nhập cư khi mới đến Thượng Hải đều làm việc trong các nhà máy. Khi kiếm được đủ tiền, họ sẽ mang tiền đó về quê xây nhà, lấy vợ lấy chồng và trở lại làm nông nghiệp hoặc buôn bán nhỏ ở thành thị".
"Nếu các nhà máy muốn giữ công nhân cũ, họ sẽ phải tăng tiền lương lên", ông cho hay.
Song vấn đề lại là các nhà máy không thể tiếp tục tăng lương được nữa. Công nhân Trung Quốc hiện đã được trả cao hơn 1/3 so với lao động ở nước láng giềng Việt Nam.
Nhiều người bắt đầu nhận ra rằng giai thoại về chi phí nhân công rẻ ở Trung Quốc thực tế không như người ta tưởng.
Theo Ngọc Sơn
Vnexpress/BBC