1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hệ thống "săn" chim của sân bay Hàn Quốc trục trặc khi máy bay gặp nạn?

Dương Đăng

(Dân trí) - Máy bay Jeju Air gặp nạn ở Hàn Quốc hôm 29/12 được cho là do va chạm với chim trong lúc hạ cánh. Điều này làm dấy lên câu hỏi về tình trạng của hệ thống ứng phó chim tại sân bay quốc tế Muan.

Hệ thống săn chim của sân bay Hàn Quốc trục trặc khi máy bay gặp nạn? - 1

Ảnh chụp cho thấy động cơ bên phải của máy bay Jeju Air bốc cháy bất thường khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Muan, nghi do chim lọt vào động cơ (Ảnh: Yonhap).

Theo báo Korea Times, vụ tai nạn của máy bay Jeju Air làm dấy lên nghi ngờ về mức độ ứng phó chưa đầy đủ của lực lượng mặt đất.

Sân bay có các Đội Cảnh báo Chim (BAT). Các đơn vị này thường sử dụng một số công cụ để xua đuổi chim khỏi khu vực sân bay. Họ liên lạc trực tiếp với tháp điều khiển khi phát hiện thấy đàn chim.

Theo nguồn tin của trang Hankook Ilbo, chỉ có một thành viên BAT làm nhiệm vụ vào thời điểm máy bay Jeju Air gặp nạn.

Điều này mâu thuẫn với các tuyên bố trước đó của Trụ sở Biện pháp an toàn và Phòng chống thảm họa Trung ương của chính phủ Hàn Quốc rằng hai thành viên của BAT làm nhiệm vụ.

Sự khác biệt có thể bắt nguồn từ cơ cấu nhân sự của sân bay. BAT của sân bay Muan gồm 4 thành viên hoạt động theo hai ca: hai người làm nhiệm vụ vào ban ngày (9h-18h) và một người vào ban đêm (18h hôm trước đến 9h hôm sau).

Vì sự cố xảy ra ngay trước khi ca sáng bắt đầu, nhân viên duy nhất đang làm nhiệm vụ có thể đã chậm trễ trong việc xác định tình hình do thủ tục thay đổi ca.

Khi được hỏi, một đại diện của sân bay Muan xác nhận lúc đó chỉ có một thành viên BAT hoạt động.

Lực lượng BAT của sân bay Muan từ lâu đã nhỏ hơn so với các sân bay có quy mô tương tự. Ví dụ, sân bay Cheongju và hay Daegu có tới 8 thành viên BAT, gấp đôi số lượng ở Muan.

Trong số 14 sân bay do Tập đoàn Sân bay Hàn Quốc quản lý (không bao gồm Sân bay Quốc tế Incheon), chỉ có 4 sân bay có ít thành viên BAT hơn Muan.

Ngay cả khi các sự cố liên quan đến chim tăng lên trên toàn quốc từ 91 trường hợp vào năm 2019 lên 130 vào năm ngoái, Muan vẫn không được tăng cường nhân sự BAT.

Tập đoàn Sân bay Hàn Quốc có kế hoạch triển khai thêm 43 thành viên BAT trên 7 sân bay vào giữa năm 2024, nhưng Muan không được đưa vào danh sách vì tần suất sự cố tương đối thấp, chỉ 10 trường hợp từ năm 2019 đến tháng 8 năm nay.

Tuy nhiên, Muan lại có tỷ lệ gặp sự cố về chim cao nhất ở Hàn Quốc, với 0,09% trong số hơn 11.000 chuyến bay trong giai đoạn 2019-2024.

Vụ tai nạn vừa qua đã cho thấy rõ một cú va chạm với chim có thể dẫn đến hậu quả tàn khốc thế nào.

Hầu hết các sân bay nội địa đều nằm gần môi trường sống của chim di cư, khiến nguy cơ xảy ra các sự cố như vậy càng cao hơn.

Giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo đủ nhân sự và áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống radar phát hiện chim.

Sáng 29/12, một máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air, chở tổng cộng 181 người từ Bangkok (Thái Lan), gặp sự cố với càng đáp khi tìm cách hạ cánh xuống sân bay quốc tế Muan, cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 288km.

Theo thông tin ban đầu, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, tháp kiểm soát không lưu đã cảnh báo về sự xuất hiện của đàn chim trong khu vực. Chỉ một phút sau, phi công của máy bay thực hiện cuộc gọi khẩn cấp. Vài phút sau đó, máy bay đáp xuống đường băng bằng bụng, lao vào tường bê tông và bốc cháy.

Các hình ảnh tại hiện trường cho thấy máy bay bốc cháy dữ dội và bị vỡ thành nhiều phần. Vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng, chỉ 2 tiếp viên may mắn sống sót. Những người trên khoang chủ yếu là công dân Hàn Quốc, chỉ có hai công dân Thái Lan.

Các chuyên gia, nhà phân tích đã đưa ra một số giả thuyết về vụ tai nạn, song nhiều bằng chứng cho thấy nguyên nhân dường như bắt đầu từ việc máy bay va chạm với chim, khiến càng đáp bị hỏng.

Máy bay gặp nạn đã bay liên tục 13 chuyến bao gồm cả nội địa và quốc tế trong 48 giờ trước khi thảm kịch xảy ra. Điều này cũng làm dấy lên nghi vấn máy bay bị khai thác quá mức an toàn. Việc di chuyển liên tục khiến thời gian bảo dưỡng ngắn, không đảm bảo yêu cầu.

Theo Korea Times, Yonhap