1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi về bức tường bê tông trong thảm kịch máy bay ở Hàn Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Tường bê tông nằm cuối đường băng ở sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc) thu hút sự chú ý của giới chuyên gia sau tai nạn của máy bay Jeju Air.

Tranh cãi về bức tường bê tông trong thảm kịch máy bay ở Hàn Quốc - 1

Ảnh vệ tinh cho thấy tường bê tông cuối đường băng ở sân bay Muan (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia hàng không cho biết, giới chức trách sân bay ở Hàn Quốc cần phải giải trình về bức tường bê tông mà máy bay Jeju Air đã đâm vào khiến 179 người thiệt mạng hôm 29/12.

Chuyên gia an toàn hàng không hàng đầu David Learmount nói với Sky News, việc máy bay va chạm với bức tường hỗ trợ hệ thống dẫn đường ở cuối đường băng chính là "yếu tố mang tính quyết định" gây ra thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Ông nói: "Không có lý do chính đáng cho việc xây dựng bức tường ở đó. Tôi nghĩ việc bố trí bức tường ở vị trí đó gần như một hành động phạm tội".

Theo ông Learmount, hành khách trên máy bay vẫn có cơ hội sống sót cao sau khi phi công đưa máy bay đáp xuống đất mặc dù đang bay với tốc độ cao. Tuy nhiên, khi máy bay đến cuối sân bay và đâm vào tường hỗ trợ dẫn đường, máy bay gần như bị phá hủy ngay lập tức.

"Loại cấu trúc đó không nên tồn tại ở đó", ông nhấn mạnh.

Bản đồ vệ tinh cho thấy cấu trúc bê tông này đã được xây dựng nhiều năm trước. Nó có hệ thống hỗ trợ hạ cánh, giúp phi công đáp máy bay vào ban đêm hoặc khi tầm nhìn kém. Tại hầu hết sân bay, hệ thống này được đặt trên các cấu trúc có thể thu gọn hoặc tháo lắp.

Ông Learmount nói: "Xây dựng một vật cứng cách khoảng 200m hoặc ngắn hơn vào bên trong đường băng là điều tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ đâu trước đây".

Nếu máy bay không đâm vào bức tường này, ông cho rằng nó sẽ đâm xuyên qua hàng rào, trượt qua đường và có thể dừng lại ở cánh đồng bên cạnh. Vị chuyên gia khẳng định, có đủ không gian để máy bay giảm tốc độ và dừng hẳn, và hành khách sẽ sống sót.

Một chuyên gia hàng không khác là Sally Gethin cho biết, bà có cùng mối lo ngại về vị trí của bức tường bê tông, dù không đồng ý rằng mọi người đều sẽ sống sót.

Bà cho hay: "Máy bay có thể vẫn duy trì tốc độ, vì vậy, ngay cả khi có nhiều không gian hơn ở cuối đường băng thì nó vẫn có thể trở thành thảm họa".

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc Joo Jong-wan khẳng định, chiều dài 2.800m của đường băng không phải là yếu tố gây nên vụ tai nạn, và các bức tường ở hai đầu được xây dựng theo tiêu chuẩn của ngành.

Các nhân chứng cho biết, họ nhìn thấy một số lượng lớn chim xung quanh đường băng ngay trước khi vụ tai nạn xảy ra, và tháp kiểm soát cũng cảnh báo phi công về khả năng va chạm với chim. Một phút sau cảnh báo, máy bay phát tín hiệu cấp cứu. Khi máy bay hạ cánh lần thứ hai vào lúc 9h03 (giờ địa phương), càng đáp của máy bay không bung ra, thay vào đó, máy bay tiếp đất bằng bụng với tốc độ cao, ở vị trí giữa đường băng.

Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc cháy như cầu lửa

Theo Sky News