1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hệ lụy khó lường từ cuộc đối đầu giữa A-rập Xê-út và Iran

Cuộc đối đầu giữa A-rập Xê-út và Iran đang có nguy cơ lan rộng và ngày càng phức tạp khi có thêm nhiều quốc gia bị lôi kéo tham dự, đe dọa tới an ninh và sự ổn định ở khu vực Trung Đông cùng nhiều hệ lụy khác...

Căng thẳng giữa Iran, quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi dòng Shi’ite và A-rập Xê-út, quốc gia có đông dân cư theo dòng Hồi giáo Sunni, leo thang sau khi Ryiadh xử tử 47 người với tội danh khủng bố, trong đó có giáo sĩ dòng Shi’ite Nimr al-Nimr bị buộc tội đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng biểu tình bùng phát ở miền Đông A-rập Xê-út năm 2011.

Sau khi A-rập Xê-út tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, một số nước cũng ra tuyên bố tương tự hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran.

Cùng với Bahrain, Sudan cũng quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với Tehran. Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran từ cấp Đại sứ xuống Đại biện lâm thời. Ngày 5-1, Kuwait đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Iran về nước. Trong khi đó, một số nước phát biểu hoặc ra tuyên bố ủng hộ A-rập Xê-út.

Hệ lụy khó lường từ cuộc đối đầu giữa A-rập Xê-út và Iran - 1

Lực lượng an ninh Iran bảo vệ sứ quán A-rập Xê-út tại Tehran. (Ảnh: AP)

Ngày 4-1, Ngoại trưởng A-rập Xê-út Adel al-Jubeir tuyên bố Ryiadh sẽ cắt đứt hoạt động giao thông đường không với Iran và cấm người dân du lịch tới nước này.

Ông nhấn mạnh, tất cả các chuyến bay đi và đến Iran sẽ bị hủy bỏ, đồng thời cho biết việc cắt đứt quan hệ với Iran sẽ bao gồm các quan hệ ngoại giao và thương mại, tuy nhiên người hành hương Iran sẽ luôn được chào đón ở A-rập Xê-út.

Sau khi nổ ra khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước Iran và A-rập Xê-út, biểu tình đã bùng phát tại nhiều nơi ở khu vực Trung Đông. Ít nhất hai nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni tại Iraq đã bị tấn công, gây thương vong cho nhiều người.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Iran và A-rập Xê-út, theo giới phân tích, không chỉ ảnh hưởng tới an ninh khu vực mà còn khoét sâu thêm mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo ở “chảo lửa” này. Ngoài ra, giới phân tích cũng lo ngại căng thẳng có thể đẩy giá dầu mỏ leo thang do xung đột xuất hiện có thể làm đình trệ các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ hoặc cản trở các tuyến giao thương trong khu vực.

Bất ổn chính trị có nguy cơ làm gia tăng nguy cơ xung đột gần khu vực eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ xuất khẩu quan trọng nhất thế giới. Khoảng 16 triệu thùng dầu được vận chuyển qua tuyến này mỗi ngày, chiếm 20% tổng khối lượng chuyên chở dầu xuất khẩu trên thế giới. Bất kỳ sự phong tỏa nào đối với eo biển Hormuz đều có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, Liên hợp quốc lo ngại căng thẳng ngoại giao giữa Iran và A-rập Xê-út sẽ ảnh hưởng tới tình hình Syria và Yemen. Iran và A-rập Xê-út đều đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc nội chiến gần 5 năm qua tại Syria và tìm giải pháp chính trị cho xung đột tại Yemen.

Ngày 4-1, Liên hợp quốc đã nhanh chóng có động thái bảo vệ các nỗ lực hòa bình tại Syria và Yemen. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đã tới Ryiadh và dự kiến cuối tuần này sẽ tới Tehran để bảo đảm rằng những thành quả đã rất vất vả mới đạt được trong tiến trình hòa bình tại Syria không bị tổn hại.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã điện đàm với các Ngoại trưởng của A-rập Xê-út và Iran, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cả hai nước này tiếp tục can dự mang tính xây dựng vì lợi ích của khu vực cũng như thế giới.

Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi hai bên tránh mọi hành động có thể làm tình hình thêm căng thẳng, đồng thời cảnh báo việc hai nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao có thể “gây hậu quả rất nghiêm trọng” đối với khu vực.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại lời kêu gọi các lãnh đạo khu vực Trung Đông kiềm chế và tránh mọi hành động làm leo thang căng thẳng. Nhà Trắng cho biết, Ngoại trưởng John Kerry đã có cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Iran và sẽ sớm có cuộc gặp với người đồng cấp A-rập Xê-út.

Ngoại trưởng Canada Stephane Dion hối thúc giới lãnh đạo Iran và A-rập Xê-út làm dịu căng thẳng và thúc đẩy hòa giải. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Algeria kêu gọi giới lãnh đạo hai nước kiềm chế và thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để duy trì các giá trị và giáo lý thống nhất của đạo Hồi.

Trong một diễn biến khác cùng ngày 4-1, A-rập Xê-út cho biết sẽ khôi phục quan hệ với Iran nếu Tehran ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Đại sứ A-rập Xê-út tại Liên hợp quốc Abdallah al-Mouallimi cũng nhấn mạnh rằng, A-rập Xê-út không phải là kẻ thù “bẩm sinh” của Iran.

Theo Xuân Phong

Quân đội nhân dân