Hé lộ tên lửa tự chế đầu tiên của Hàn Quốc
(Dân trí) - Hàn Quốc hiện đang đếm ngược thời gian tới vụ phóng tên lửa không gian đầu tiên vào ngày mai, 19/8, vụ phóng được đánh giá là mở cánh cửa tới chương trình tên lửa mới được hình thành của nước này và nhằm “đọ sức” với nước láng giềng Triều Tiên.
Hàn Quốc từ trước luôn dựa vào các nước khác để phóng vệ tinh cho mình. Nhưng hiện nước này đã lên kế hoạch đưa một vệ tinh tự tạo vào quỹ đạo bằng chính tên lửa Korea Space Launch Vehicle-1, hay còn gọi là Naro-1, của mình từ trung tâm vũ trụ ở miền nam.
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, tên lửa Naro-1 dài 33m, gồm 2 tầng và được xây dựng với chi phí lên tới 400 triệu USD.
Dự định tên lửa sẽ phóng vệ tinh nặng 100kg vào quỹ đạo để vệ tinh này giám sát năng lượng bức xạ của trái đất. Tên lửa sẽ được phóng vào 7h40 giờ GMT ngày 19/8, tại địa điểm cách nam Seoul khoảng 350km.
Được biết, Hàn Quốc đã nhờ Nga giúp đỡ để xây dựng Naro-1. Trung tâm sản xuất vũ trụ Khrunichev của Nga sản xuất tầng đầu tiên tiên của tên lửa, hỗ trợ về kỹ thuật và tiến hành các cuộc thử nghiệm.
“Nếu chúng ta hoàn thành việc triển khai động cơ tầng đầu tiên, khi đó chúng ta sẽ có đủ lực để phóng tên lửa của riêng chúng ta. Nhưng đây là một bước vô cùng khó khăn”, Yoon Young-bin, chuyên gia không gian vũ trụ tại Đại học quốc gia Seoul cho hay.
Hàn Quốc đặt mục tiêu cho tới năm 2018 sẽ xây dựng được một tên lửa bằng chính thực lực của mình và gửi một tàu thám hiểm tới mặt trăng vào năm 2025. Ngoài ra, quốc gia này cũng muốn phát triển dịch vụ thương mại phóng vệ tinh.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn còn ở sau rất xa Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và có thể là Triều Tiên. Vì vậy Hàn Quốc đang đánh cược rằng nếu vụ phóng đầu tiên thành công, nước này sẽ dùng khả năng kỹ thuật của mình để đuổi kịp các đối thủ.
Song Cơ quan vũ trụ Hàn Quốc đã cố gắng “giảm nhiệt” hi vọng cho vụ phóng ngày mai, cho biết khả năng đưa vệ tinh vào quỹ đạo thành công chỉ vào khoảng 30%.
Theo các nhà phân tích, vụ phóng tên lửa của Hàn Quốc là một “cú huých” đối với Triều Tiên, nước phải chịu sự trừng phạt của LHQ vì vụ phóng vệ tinh bị coi là “đội lốt” tên lửa tầm xa vào tháng 4 vừa qua.
Chính vì vậy một số người nghi ngờ về mục tiêu thực sự của vụ phóng vệ tinh của Hàn Quốc. Theo họ, nó cũng có thể nằm ngoài chương trình không gian dân sự bình thường, khiến nhiều câu hỏi về vấn đề an ninh khu vực được đặt ra.
Trong khi đó, Hàn Quốc đã thỏa thuận với đồng minh quân sự Mỹ không phát triển tên lửa tầm xa, nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực Bắc Á với kinh tế rất phát triển này.
Phan Anh
Theo Reuters