Hé lộ số tiền "khủng" Trung Quốc mua vũ khí nước ngoài trong năm 2014
(Dân trí) - Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố mới đây cho thấy quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chi nhiều triệu USD trong năm 2014 để nhập khẩu vũ khí từ các.
Động cơ AL-31FN của Nga (Ảnh: WantChinaTimes)
Mạng tin quân sự Sina ngày 13/7 dẫn báo cáo nêu trên cho hay Nga vẫn là quốc gia xuất khẩu nhiều vũ khí sang Trung Quốc nhất. Theo đó, tổng giá trị cho các thương vụ mua vũ khí từ Nga của Trung Quốc đã lên tới 909 triệu USD trong giai đoạn từ 2013 đến 2014.
Chủ yếu, Trung Quốc mua động cơ máy bay chiến đấu của Nga do nước này vẫn chưa thể tự sản xuất loại thiết bị này. Đó là những mẫu động cơ AL-31FN cho máy bay chiến đấu J-10, động cơ AL-31F cho máy bay chiến đấu có khả năng đỗ trên tàu sân bay J-15 và mẫu động cơ D-30 cho máy bay ném bom H-6k và máy bay vận tải Y-20.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng mua nhiều tên lửa không đối đất KH-59MK2 từ Nga. Tuy nhiên, quá trình nhập khẩu vũ khí này đã giảm từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm ngoái.
Báo cáo trên cho biết thêm Trung Quốc đã chi 48 triệu USD để mua máy bay tiếp liệu cũ II-79 của Ukraine, cũng như 4 động cơ AI-222 nhằm sử dụng cho máy bay huấn luyện L-15 mà nước này sản xuất. Tuy nhiên, không rõ Bắc Kinh đã chi bao nhiêu để hoàn tất quá trình thanh toán cho Ukraine về thương vụ tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr.
Không như những gì mà dư luận nắm được, Pháp, quốc gia thành viên NATO, hiện là nước đứng thứ hai trong danh sách xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc.
Ước tính, Pháp đã xuất khẩu các loại thiết bị và vũ khí có tổng trị giá 230 triệu USD sang quốc gia Đông Bắc Á hồi năm ngoái. Trong giai đoạn từ năm 2009 tới 2013, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất của Pháp. Những mặt hàng được Trung Quốc "ưa thích" là hệ thống đỗ cho trực thăng Z-15 và động cơ diesel cho tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Type 054A.
Bất chấp lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc của Liên minh châu Âu, nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Anh, Thụy Điển và Đức, cũng đã có các hợp đồng buôn bán vũ khí cho Bắc Kinh.
Báo cáo nêu rõ Trung Quốc đã chi 40 triệu USD để mua các tàu ngầm phục vụ công tác cứu nạn LR7 của Anh, trong khi Đức thu về 6 triệu USD từ việc bán động cơ diesel, loại thiết bị được sử dụng cho xe tăng và tàu ngầm. Ngoài ra, Thụy Điển cũng bán hệ thống radar kiểm soát và đạn GDF35 cho Trung Quốc với tổng trị giá 65 triệu USD.
Ngọc Anh
Theo WantChinaTimes
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn! |