1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hé lộ “lệnh bí mật” của Obama tại Libya

(Dân trí) - Giữa lúc quân nổi dậy Libya bị quân chính phủ đẩy lui về phía đông, giới chức chính phủ Mỹ tiết lộ, Tổng thống Obama đã ký một lệnh bí mật, cho phép hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở Libya, nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Gadhafi.

 
Hé lộ “lệnh bí mật” của Obama tại Libya - 1

Mỹ không loại trừ khả năng cấp vũ khí cho quân nổi dậy tại Libya.
 

Theo các nguồn tin chính phủ, lệnh Tổng thống Obama ký được biết đến với tên gọi “sắc lệnh hành pháp”, sắc lệnh đặc biệt của tổng thống và lệnh đã được ký trong vòng 2-3 tuần trước.

 

Những sắc lệnh kiểu này được dùng để cho phép Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) tiến hành các hoạt động bí mật. Đây là thủ tục pháp lý cần thiết trước khi diễn ra các hoạt động bí mật. Tuy nhiên, cũng không có nghĩa là các hoạt động bí mật sẽ buộc phải diễn ra.

 

“Theo thông lệ của chính quyền Obama cũng như tất cả các chính quyền khác, tôi sẽ không bình luận về những vấn đề tình báo”, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho hay trong tuyên bố liên quan đến sự việc. “Tôi sẽ nhắc lại những gì Tổng thống nói ngày hôm qua – không có quyết định nào được đưa ra về việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy hay bất kỳ nhóm nào tại Libya”.

 

CIA hiện cũng không có bình luận nào về thông tin “sắc lệnh của tổng thống”. Tuy nhiên, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ không được nêu tên cho hay, CIA đã cài đặt các nhóm nhỏ những điệp viên bí mật vào Libya để thu thập thông tin tình báo cho các cuộc không kích. Đây là một phần trong lực lượng chìm của phương Tây, mà Mỹ hi vọng có thể giúp làm suy yếu quân đội của ông Gadhafi.

  

Ngoài các điệp viên CIA, hàng chục lực lượng đặc nhiệm Anh và nhân viên của cơ quan tình báo MI6 cũng đang hoạt động tại Libya, tờ báo tiết lộ.

 

Tin tức về việc Obama ký sắc lệnh đặc biệt được đưa ra khi ông và các quan chức Mỹ cùng đồng minh công khai nói về khả năng cung cấp vũ khí cho phe đối lập với ông Gadhafi, do quân đội của ông Gadhafi được trang bị vũ khí tối tân hơn nhiều quân nổi dậy.

 

Mỹ là một phần quan trọng trong liên minh, cùng với các thành viên NATO và một số quốc gia Ả rập, tiến hành không kích lực lượng chính phủ Libya, theo nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ dân thường chống đối ông Gadhafi.

 

Trong cuộc phỏng vấn với báo chí Mỹ hôm thứ ba vừa qua, ông Obama cho biết mục tiêu của chiến dịch không kích là ông Gadhafi “cuối cùng phải từ bỏ” quyền lực. Ông đã nói đến việc áp dụng “sức ép liên tục, không chỉ là bằng quân sự và bằng cả các biện pháp khác” để buộc ông Gadhafi phải ra đi.

 

Và ông Obama cũng cho biết Mỹ không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy. “Hoàn toàn công bằng khi nói nếu muốn, chúng ta có thể đưa vũ khí vào Libya. Lúc này chúng ta đang xem xét mọi lựa chọn”, ông cho hay.
 

Đưa vũ khí vào Libya có thể sẽ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp đặt với nước này hôm 26/2 vừa qua, mặc dù giới chức Anh, Pháp, Mỹ đều ám chỉ sẽ có thể có cách.

 

Song để lệnh cấm được điều chỉnh cần phải có sự đồng ý của toàn bộ 15 thành viên của Hội đồng bảo an. Nên khả năng này là rất khó trong bối cảnh hiện nay. Giới chức ngoại giao cũng cho rằng bất kỳ nước nào quyết định cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Libya chắc chắn sẽ phải tìm kiếm một lệnh phê chuẩn chính thức của Hội đồng.

 

Hoạt động đặc biệt

 

Những người hiểu về thủ tục tình báo của Mỹ cho biết “sắc lệnh đặc biệt” của tổng thống thường được soạn thảo nhằm trao quyền rộng lớn cho hàng loạt hành động của chính phủ, để hỗ trợ cho một mục đích bí mật cụ thể nào đó.

 

Để các hoạt động đặc biệt được tiến hành theo các điều khoản cho phép của sắc lệnh, ví dụ như chuyển tiền mặt hay vũ khí cho lực lượng chống ông Gadhafi, Nhà Trắng cũng sẽ phải đưa ra “giấy phép” thêm, cho phép các hoạt động như thế diễn ra.

 

Năm 2009, ông Obama cũng ký một sắc lệnh tương tự để mở rộng các hoạt động chống khủng bố ngầm do CIA thực hiện tại Yemen. Thông thường, Nhà Trắng không bao giờ xác nhận những sắc lệnh như thế.

 

Cũng theo các quan chức Mỹ, do các cơ quan tình báo Mỹ và liên quân vẫn còn nhiều nghi vấn về danh tính cũng như ban lãnh đạo của lực lượng chống Gadhafi, nên bất kỳ hoạt động bí mật nào cũng phải được tiến hành một cách thận trọng, cho đến khi họ thu thập, phân tích được thêm thông tin về quân nổi dậy.

 

“Toàn bộ vấn đề hỗ trợ vũ khí, huấn luyện (cho quân nổi dậy) đều yêu cầu cho biết quân nổi dậy Libya là ai”, Bruce Riedel, một cựu chuyên gia cấp cao của CIA ở Trung Đông và là cố vấn cho Nhà Trắng, cho biết. Theo ông Riedel, giúp đỡ quân nổi dậy tổ chức và huấn luyện họ dùng vũ khí hiệu quả cấp thiết hơn là chuyển vũ khí cho họ.

 

Một bài báo vào đầu tháng 3 vừa qua trên trang mạng của đài Tiếng nói nước Mỹ, đài phát thanh của chính phủ, cũng đã nghi ngờ về các hoạt động bí mật tại Libya và định nghĩa hoạt động bí mật giống như “bất kỳ nỗ lực nào của chính phủ nhằm tạo thay đổi về kinh tế, quân sự, chính trị ở nước ngoài, nhưng theo cách bí mật”.

 

Theo bài báo, hoạt động bí mật “có thể rất đa dạng, như tuyên truyền, hỗ trợ tài chính bí mật, vận động bầu cử, cung cấp vũ khí, huấn luyện quân nổi dậy và thậm chí là thúc đẩy một cuộc đảo chính”.

  

Tuy nhiên, thành viên quốc hội Mỹ bày tỏ lo ngại về hoạt động của chính phủ tại Libya. Một số nhớ đến việc Mỹ và Ả rập đã cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Afghanistan vào những năm 1980, nhưng cuối cùng lại có kết cục chính những người này quay sang chống Mỹ. Và họ lo ngại một kịch bản tương tự có thể xảy ra ở Libya, nếu Mỹ không biết rõ quân nổi dậy là ai.

 

Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mike Rogers cho hay, ông phản đối cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Libya để chống ông Gadhafi “vào thời điểm này”. “Chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về phe đối lập trước khi tôi có thể ủng hộ chuyển súng, vũ khí tiên tiến cho họ”, ông Roger tuyên bố.

 

Phan Anh

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm