1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hé lộ hình ảnh đầu tiên về siêu biến chủng Omicron

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà khoa học Italy đã công bố hình ảnh cho thấy các đột biến của biến chủng Omicron mới vượt trội đáng kể so với biến chủng chiếm ưu thế hiện nay là Delta.

Hé lộ hình ảnh đầu tiên về siêu biến chủng Omicron - 1

Hình ảnh so sánh biến chủng Delta và Omicron (Ảnh: RT).

Ảnh minh họa do bệnh viện Bambino Gesu của Italy công bố hôm 27/11 đã cho thấy sự khác biệt giữa biến chủng Omicron mới và biến chủng Delta, một trong những chủng Covid-19 dễ lây lan nhất hiện nay.

Hình ảnh khoa học cho thấy biến chủng Omicron có nhiều đột biến hơn đáng kể so với biến chủng Delta, đặc biệt là ở các khu vực tiếp xúc trực tiếp với tế bào. Các "điểm nóng" của đột biến được đánh dấu bằng màu đỏ trong hình ảnh được các nhà khoa học công bố.

"Đây là một "bức ảnh" theo nghĩa rất rộng, đó là một mô hình được thực hiện trong phòng thí nghiệm", hãng tin RIA Novosti dẫn lời bệnh viện cho biết.

Các nhà khoa học lưu ý rằng những thay đổi này cho thấy virus có thể đã trở nên thích nghi tốt hơn đối với cơ thể người. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu những đột biến này kết hợp với nhau có thực sự khiến biến chủng Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với các biến chủng trước đó hay không.

Chủng Omicron mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại" hôm 26/11. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng xếp biến Omicron vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại", bên cạnh các biến chủng được phát hiện từ trước gồm Beta, Gamma và Delta.

Biến chủng Omicron (tên khoa học là B.1.1.529) xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và Botswana, hiện đã xuất hiện ở nhiều nước như Israel, Anh, Italy và một số nước châu Âu. Các nhà chức trách Anh ngày 25/11 gọi B.1.1.529 là biến chủng "tồi tệ nhất" và là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.

Biến chủng Omicron gây lo ngại vì có chứa khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai. Với lượng đột biến bất thường này, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên hơn. 

Gai protein là bộ phận mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để bám và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.

Nhà dịch tễ học Neil Ferguson tại trường Imperial College London nói rằng B.1.1.529 có số lượng đột biến "chưa từng có" và dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm gần đây ở Nam Phi. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến chủng mới là "mối lo ngại nghiêm trọng" và là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 hàng ngày tăng theo "theo cấp số nhân", biến nó trở thành "một mối đe dọa lớn".

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Eric Feigl-Ding cảnh báo Omicron có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các chủng cũ 500%. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, hiện vẫn còn sớm để dự đoán Omicron có thể lây nhiễm thế nào, vào thời điểm nào và cần phải được theo dõi chặt chẽ cũng như phân tích các dữ liệu liên quan. 

Ngay sau những tin tức về Omicron, các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước láng giềng. Các nhà khoa học cho rằng, lệnh hạn chế đi lại có thể làm chậm đà lây lan của Omicron, nhưng cũng khiến cho việc truy vết dịch tễ của biến chủng này trở nên khó khăn hơn.