1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hành trình thoát “cánh cửa tử thần” của bệnh nhân nhiễm virus corona

(Dân trí) - Đối với một bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (COVID-19) ngay tại tâm dịch Vũ Hán, hành trình từ thời điểm nhiễm bệnh đến khi hồi phục là một cơn ác mộng mà đã có lúc họ tưởng như sẽ gục ngã.

Hành trình thoát “cánh cửa tử thần” của bệnh nhân nhiễm virus corona - 1

Tiger Ye tại nhà ở Vũ Hán hôm 13/2 sau khi rời khỏi khu cách ly. (Ảnh: Bloomberg)

 

Tiger Ye (không phải tên thật) là sinh viên 21 tuổi tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc - nơi khởi phát dịch viêm phổi cấp do virus COVID-19 gây ra. Lần đầu tiên Ye nghi ngờ mình bị nhiễm căn bệnh đang lan rộng trên toàn thế giới là vào ngày 21/1, khi anh cảm thấy quá mệt tới mức không thể ăn xong bữa tối. Ye kiểm tra và phát hiện nhiệt độ cơ thể tăng lên.

Vào thời điểm đó, có rất ít thông tin về dịch corona, nhưng tâm lý hoảng loạn đã nhanh chóng thổi bùng lên sau khi các nhà chức trách Trung Quốc xác nhận mầm bệnh dễ lây nhiễm đang lây lan giữa người với người ở thành phố 11 triệu dân.

Đó là vào nửa đêm khi Ye tới bệnh viện Tongji, bệnh viện hàng đầu ở Vũ Hán, và nhìn thấy một phòng chờ với chật kín người đang đợi được khám như anh. Mặc dù có biểu hiện sốt, nhưng Ye biết rằng anh sẽ phải chờ nhiều giờ đồng hồ để tới lượt kiểm tra.

“Tôi thấy sợ hãi. Vô số hồ sơ chất đống trên bàn và bác sĩ nào cũng mặc đồ bảo hộ, điều mà tôi chưa từng thấy trước đây”, Ye kể lại.

Những gì diễn ra sau đó là hơn hai tuần sống trong lo lắng và tuyệt vọng, khi Ye cố gắng xác nhận liệu anh có bị nhiễm virus gây bệnh viêm phổi cấp hay không và phải điều trị các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng của bản thân.

Ye là một trong những người may mắn khi chiến thắng bệnh tật, một phần nhờ cha anh, một nhân viên y tế, đã nhận thức được những rủi ro sớm hơn so với phần lớn người dân Vũ Hán.

Hơn 1.000 người đã chết vì virus COVID-19 tại Hồ Bắc, nơi có “tâm dịch” Vũ Hán, trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng giường bệnh, bộ dụng cụ xét nghiệm và các thiết bị y tế cơ bản khác khiến nhiều người phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để được chẩn đoán. Thậm chí, có những người đã tử vong từ trước khi gặp bác sĩ.

Đêm đầu tiên tìm nơi điều trị, Ye đã mua thuốc từ một bệnh viện nhỏ hơn gần đó, sau khi từ bỏ việc chờ đợi xếp hàng tại bệnh viện Tongji. Vì các triệu chứng của Ye không được xếp vào  nhóm quá nghiêm trọng, nên các bác sĩ bảo anh chỉ cần về nhà và tự cách ly.

Bốn ngày đầu thực sự khủng khiếp với Ye.

“Tôi bị sốt cao và sự đau đớn hành hạ mọi bộ phận trên cơ thể tôi”, Ye kể lại.

Là một người hâm mộ văn hóa Nhật Bản và có tham vọng trở thành một diễn viên lồng tiếng, Ye đã dành nhiều ngày để xem phim hoạt hình Nhật Bản nhằm đánh lạc hướng bản thân mình khỏi nỗi đau trên cơ thể.

“Ho như thể sắp chết”

Hành trình thoát “cánh cửa tử thần” của bệnh nhân nhiễm virus corona - 2

Ảnh chụp cắt lớp phổi của Tiger Ye khi tình trạng sức khỏe của anh xấu đi tại Bệnh viện Phổi Vũ Hán ngày 25/1. (Ảnh: Bloomberg)

Đến thời điểm diễn ra cuộc hẹn tiếp theo của Ye tại bệnh viện vào 4 ngày sau đó, chính quyền Vũ Hán đã phong tỏa thành phố, cấm bất cứ ai rời đi để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Mọi thứ thay đổi ngay lập tức: những con đường vắng tanh, giá rau quả tăng vọt, trong khi người dân không chắc liệu họ có được phép rời khỏi căn hộ của mình hay không.

Trong khi đó, bệnh tình của Ye ngày càng trở nên tệ hơn.

“Tôi bị ho như thể sắp chết”, Ye nói.

Tại bệnh viện, kết quả chụp cắt lớp cho thấy khả năng cao Ye đã nhiễm virus corona chủng mới và virus này đã lan đến phổi của anh.

Các bác sĩ cân nhắc xem Ye có đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm axít nucleic, từ đó có thể xác nhận chính xác việc anh có bị nhiễm virus corona hay không. Tuy nhiên, các bác sĩ sau đó quyết định trường hợp của Ye không quá nghiêm trọng và những bộ xét nghiệm quý giá phải để dành cho những bệnh nhân nguy kịch hơn.

“Cánh cửa tử thần”

Chẩn đoán lâm sàng đã trở thành một trong những trở ngại chính trong việc kiểm soát dịch corona tại Hồ Bắc, nơi số lượng người lo sợ họ bị nhiễm bệnh vượt quá khả năng của các bệnh viện trong việc xác nhận họ có thực sự bị nhiễm bệnh hay không.

Ngày 13/2, Hồ Bắc bắt đầu tính cả những bệnh nhân được chẩn đoán qua chụp cắt lớp và những người có kết quả xét nghiệm dương tính với bộ dụng cụ xét nghiệm axít nucleic vào nhóm các ca nhiễm virus corona. Sự thay đổi trong phương pháp tính toán này đã dẫn đến sự gia tăng hơn 45% số ca bệnh được xác nhận nhiễm virus corona, lên tới gần 50.000 người.

Khi Ye nghỉ tại nhà sau lần thứ hai đến bệnh viện, anh không biết mình đã bị nhiễm virus hay chưa, nhưng anh trai và bà của Ye bắt đầu có triệu chứng nhiễm bệnh. Chỉ qua một đêm, tình trạng sức khỏe của Ye diễn biến xấu đến mức anh nghĩ mình có thể chết.

“Tôi nghĩ là tôi đã gõ cửa tử thần”, Ye nói.

Ye quay trở lại bệnh viện sau khi thân nhiệt tăng lên đến 39 độ C. Các bác sĩ cho anh uống Kaletra, loại thuốc được sử dụng để điều trị HIV và đang cho thấy một số hiệu quả trong việc chống lại virus corona. Thân nhiệt của Ye giảm về mức 37 độ C vào cuối ngày hôm đó.

Xác nhận nhiễm virus

Hành trình thoát “cánh cửa tử thần” của bệnh nhân nhiễm virus corona - 3

Một trung tâm triển lãm được cải biến thành bệnh viện tạm thời để điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona tại Vũ Hán. (Ảnh: AFP)

Tình trạng của nam sinh viên trẻ tuổi đã được cải thiện dần dần khi cuối cùng Ye cũng nhận được một trong những bộ dụng cụ xét nghiệm mà anh chờ đợi từ lâu vào ngày 29/1. Bộ dụng cụ này xác nhận rằng Ye đã nhiễm virus corona.

Bác sĩ đã cho Ye uống thuốc kháng virus Aluvia trong 5 ngày và cho phép anh trở lại căn hộ của mình để tự cách ly, một phần vì bệnh viện không có đủ giường cho Ye nằm.

9 ngày sau đó, ngày 7/2, một loạt xét nghiệm axít nucleic khác đã cho kết quả âm tính với virus corona, nhưng Ye vẫn chưa “bình an vô sự”.

Sau khi có thông tin nói rằng ngay cả những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona vẫn có thể rơi vào tình trạng nguy kịch, chính quyền địa phương đã cách ly Ye trong một khách sạn - nơi được cải biến thành một bệnh viện tạm thời. Cảnh sát đứng canh gác bên ngoài để ngăn không cho bất kỳ ai ra vào.

5 ngày sau đó, Ye được cho phép về nhà, kết thúc chuỗi ngày bi kịch bắt đầu từ hơn 3 tuần trước.

Ye cảm thấy biết ơn vì vẫn còn may mắn sống sót. Ye chào các bác sĩ và y tá, những người đã đánh cược mạng sống của họ để giúp anh khỏi bệnh. Một số bác sĩ nói với Ye rằng họ nghi ngờ họ đã bị nhiễm virus corona, song họ vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.

Thành Đạt

Theo Bloomberg