1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hành trang Tổng thống Hàn Quốc mang theo tới bàn đàm phán với ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Hai hội nghị thượng đỉnh từng diễn ra trong lịch sử quan hệ Hàn - Triều có thể trở thành bài học quý báu cho Tổng thống Moon Jae-in trước khi ông bắt đầu cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 27/4.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Moon Jae-in (Ảnh: ABC News)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Moon Jae-in (Ảnh: ABC News)

Khi Tổng thống Moon Jae-in gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày mai 27/4, ông là Tổng thống Hàn Quốc thứ 3 gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên trong lịch sử. Hai người tiền nhiệm của ông, cố Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, đều từng gặp cố lãnh đạo Kim Jong-il lần lượt vào các năm 2000 và 2007.

Theo CNN, mặc dù 2 hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây đều đạt được những kết quả cụ thể nhất định, song vẫn không thể chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn có những bài học quan trọng mà Tổng thống Moon Jae-in có thể rút ra được từ thành công và thất bại của những người tiền nhiệm.

Bài học thứ nhất: Chọn địa điểm hội đàm

Khi cố Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đến Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-il đều trải thảm đỏ để đón họ, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những bức ảnh chụp các nghi thức đón tiếp long trọng mà Triều Tiên dành cho lãnh đạo của quốc gia láng giềng được công bố rộng rãi trên toàn thế giới và đó cũng đúng là những điều mà Triều Tiên mong muốn.

Khi đồng ý tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng, Hàn Quốc đã trao cho Triều Tiên cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh và tạo điều kiện để cỗ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng hoạt động tích cực. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin theo hướng hai Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng để thể hiện sự tôn kính với quốc gia láng giềng. Vì là nước chủ nhà, Triều Tiên cũng có thể dễ dàng kiểm soát các thông tin cũng như hình ảnh liên quan tới cuộc gặp.

Cả chính quyền cố Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đều hiểu rõ những rủi ro khi gặp ông Kim Jong-il ngay trên lãnh thổ Triều Tiên, cũng như nguy cơ họ trở về tay trắng sau cuộc gặp.

Ông Kim Hong-gul, con trai cố Tổng thống Kim Dae-jung, nói rằng trong chuyến thăm của cha ông tới Bình Nhưỡng, Triều Tiên chỉ cho thấy thái độ “cứ đến đi, mọi việc rồi sẽ ổn”. “Do vậy, vẫn có những yếu tố bất ổn và lo lắng nhất định”, ông Kim Dae-jung nói.

Đối với trường hợp của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, ông Lee Jong-seok, cựu chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia kiêm bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết mặc dù ông Roh rốt cuộc vẫn quyết định tới Triều Tiên, song chính quyền của ông dường như chưa sẵn sàng cho chuyến đi này.

“Chúng tôi đã phải đấu tranh tư tưởng về địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh vì phía Triều Tiên không muốn đến Seoul, trong khi chúng tôi cũng không muốn đến Bình Nhưỡng lần thứ hai”, ông Lee Jeong-seok cho biết.

Trong cả hai lần gặp mặt, các tổng thống Hàn Quốc đều không giành được lợi thế. Trong khi đó, cố lãnh đạo Kim Jong-il giành được thắng lợi về mặt tuyên truyền khi thuyết phục được cả hai nhà lãnh đạo của quốc gia láng giềng sang Triều Tiên gặp mặt mà không phải chấp thuận những điều kiện để giảm căng thẳng về lâu dài.

Hành động của Tổng thống Moon

Ngày 27/4, Tổng thống Moon Jae-in sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Nhà Hòa bình ở phía nam của Khu An ninh Chung (JSA) thuộc Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ), nơi chia tách hai miền Triều Tiên và cũng là nơi binh sĩ hai nước đứng đối mặt vào nhau. Nhà Hòa bình nằm ở phần phía nam của khu DMZ.

Lựa chọn về địa điểm này được xem là kết quả của sự thỏa hiệp giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều. Mặc dù địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này không hoành tráng và long trọng như hai lần trước đó, song Tổng thống Moon dường như đã giành được chiến thắng quan trọng về mặt tuyên truyền.

Theo đó, các nhà báo Hàn Quốc cũng sẽ được phép tiến sang phần phía bắc của DMZ, khu vực thuộc quản lý của Triều Tiên, để ghi lại khoảnh khắc ông Kim Jong-un đi bộ sang lãnh thổ phía Nam. Ông Kim Jong-un cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc, ít nhất từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953).

Bài học thứ hai: Không hành động vội vàng một mình

Cố lãnh đạo Kim Jong-il và cố Tổng thống Kim Dae-jung (trái) trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng năm 2000 (Ảnh: Getty)
Cố lãnh đạo Kim Jong-il và cố Tổng thống Kim Dae-jung (trái) trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng năm 2000 (Ảnh: Getty)

Khi cố Tổng thống Kim Dae-jung tới Bình Nhưỡng năm 2000, Mỹ và Hàn Quốc đã phối hợp chặt chẽ với nhau để chuẩn bị cho chương trình ngoại giao với Triều Tiên. Rốt cuộc, ông Kim Dae-jung rời Bình Nhưỡng với hàng loạt thỏa thuận, đặc biệt là thỏa thuận cho phép các gia đình bị ly tán trong chiến tranh liên Triều được đoàn tụ và thỏa thuận hỗ trợ đầu tư cho nền kinh tế đang kiệt quệ của Triều Tiên.

Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã cử Ngoại trưởng Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong-il và sau đó đón tiếp một trong số các quan chức quyền lực nhất của Triều Tiên tại Washington.

Ngược lại với cố Tổng thống Kim Dae-jung, ông Roh Moo-hyun bị cho là người có tư tưởng chống Mỹ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng xác nhận tin đồn này. Ông Gates tiết lộ cố Tổng thống Roh từng nói với ông rằng “mối đe dọa lớn nhất về an ninh tại châu Á là Mỹ và Nhật Bản”.

Khi cố Tổng thống Roh tới Triều Tiên năm 2007, ông chỉ còn vài tháng cuối nhiệm kỳ và điều ông muốn đạt được là một thỏa thuận với Triều Tiên để đảm bảo rằng Seoul sẽ viện trợ cho Bình Nhưỡng sau khi ông rời nhiệm sở. Ông Roh hy vọng chính quyền kế nhiệm mà ông biết chắc chắn là sẽ bảo thủ và trung tả vẫn sẽ giữ lại một số điểm nhấn trong chính sách của ông.

Tương tự cố Tổng thống Kim Dae-jung, ông Roh rời Bình Nhưỡng với một vài thỏa thuận. Bản kế hoạch hòa bình 8 điểm đã được hai bên nhất trí thúc đẩy trước khi tiến tới một hiệp ước hòa bình lâu dài nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai cố tổng thống là ông Roh trở về Hàn Quốc song không nhận được sự ủng hộ từ cả trong nước lẫn quốc tế về những nỗ lực của ông.

Rốt cuộc, cựu Tổng thống Lee Myung-bak, người kế nhiệm ông Roh Moo-hyun, đã quyết định không tiếp tục di sản của người tiền nhiệm. Ông Lee không muốn viện trợ kinh tế cho Triều tin nếu không có điều kiện đi kèm. Thay vào đó, ông Lee Myung-bak ra điều kiện rằng, bất kỳ khoản viện trợ hay khoản tiền nào cấp cho Triều Tiên phải đi kèm với việc ông Kim Jong-il có sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hay không.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush được cho là đã ủng hộ ông Lee Myung-bak cũng như cách tiếp cận cứng rắn hơn của ông đối với quan hệ liên Triều.

“Những kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy Hàn Quốc thường đi vào ngõ cụt trong chính sách với Triều Tiên khi nước này không thể thuyết phục Mỹ, đồng minh lớn nhất của Seoul, ủng hộ chính sách với Triều Tiên”, Lee Seong-hyon, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul, nhận định.

Hành động của Tổng thống Moon

Trong chưa đầy một năm nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đóng vai trò như người ở giữa, cân bằng quyền lực giữa Triều Tiên và Mỹ.

Để thuyết phục chính quyền Donald Trump ủng hộ các động thái của Hàn Quốc, ông Moon thường xuyên cử các trợ lý thân cận tới Washington để hội đàm. Ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia, các điệp viên hàng đầu của Hàn Quốc đều tới Washington vào tháng trước để hội đàm với những người đồng cấp Mỹ hoặc các quan chức cấp cao của Mỹ.

Hồi tháng 3, ông Trump đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un sau khi hai quan chức Hàn Quốc chuyển lời mời của ông Kim tới nhà lãnh đạo Mỹ.

“Ông Moon hiểu rằng cách tiếp cận của Hàn Quốc với Triều Tiên sẽ hiệu quả hơn nếu người Mỹ đứng về phía họ (Hàn Quốc)”, ông Lee Seong-hyon cho biết.

Bài học số 3: Để tiền ở nhà

Hai cố lãnh đạo Roh Moo-hyun (trái) và Kim Jong-il nắm tay khi gặp mặt tại Bình Nhưỡng năm 2007 (Ảnh: Getty)
Hai cố lãnh đạo Roh Moo-hyun (trái) và Kim Jong-il nắm tay khi gặp mặt tại Bình Nhưỡng năm 2007 (Ảnh: Getty)

Cố Tổng thống Kim Dae-jung được coi là kiến trúc sư của chính sách Ánh Dương, trong đó theo đuổi hợp tác kinh tế và ngoại giao với Bình Nhưỡng nhằm giảm thiểu căng thẳng và cứu vãn nền kinh tế Triều Tiên. Trọng tâm của chính sách Ánh Dương có liên quan tới vấn đề tài chính. Phía Triều Tiên muốn nhận các khoản viện trợ từ Hàn Quốc để duy trì đất nước, và Seoul đã bí mật trao cho Bình Nhưỡng các khoản viện trợ này mà không có nhiều sự ràng buộc.

Di sản của ông Kim Dae-jung dường như vẫn được bảo lưu sau khi ông trở về từ hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng, đặc biệt sau khi ông được trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho nỗ lực gắn kết bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó, hình ảnh của ông đã bị tổn hại nặng nề khi xuất hiện thông tin rằng Hàn Quốc đã bí mật chuyển gần 200 triệu USD cho Triều Tiên thông qua tập đoàn Huyndai chỉ vài ngày trước cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo.

Ông Kim Dae-jung đã công khai xin lỗi vì khoản tiền bí mật này, song khẳng định số tiền này được sử dụng cho các thỏa thuận kinh doanh tại Triều Tiên. Ông Kim Dae-jung hy vọng ông Kim Jong-il sẽ sử dụng khoản tiền này để tiến hành cải cách theo kiểu Trung Quốc, từ đó tự do hóa một phần nền kinh tế của Triều Tiên.

Tuy nhiên, viễn cảnh đó đã không xảy ra. Nhiều người Hàn Quốc tin rằng hàng triệu USD viện trợ cho Bình Nhưỡng đã không thể khiến nước này dừng chương trình vũ khí, và cũng không phục vụ cho lợi ích của Seoul.

Hành động của Tổng thống Moon

Trong bối cảnh hiện tại, việc Hàn Quốc bí mật chuyển tiền cho Triều Tiên sẽ là một hành động cực kỳ rủi ro đối với chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in. Ông Moon từng giành được sự tín nhiệm và đắc cử tổng thống Hàn Quốc sau khi xây dựng hình ảnh là một ứng cử viên “trong sạch” trong quá trình tranh cử.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo trung thực để thay thế cựu Tổng thống bảo thủ Park Geun-hye, người bị phế truất sau vụ bê bối tham nhũng. Bà Park cũng bị kết án 24 năm tù giam.

“Bất kỳ khoản tiền nào (chuyển cho Triều Tiên) bây giờ cũng là thuốc độc với Hàn Quốc xét đến tình hình chính trị trong nước cũng như uy tín dựa trên sự minh bạch của ông Moon Jae-in. Điều này rất nhạy cảm và gây tranh cãi”, John Delury, Giáo sư Trường Quan hệ Quốc tế tại Đại học Yonsei nhận định.

Hơn nữa, bất kỳ khoản tiền nào do chính quyền Moon Jae-in chuyển cho Triều Tiên cũng bị coi là vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên. Đây cũng là nỗ lực mà Tổng thống Donald Trump đang triển khai.

“Ông Moon Jae-in không thể thách thức ông Donald Trump cũng như làm những điều có thể khiến ông Trump nổi cáu”, Andrei Lankov, Giáo sư Đại học Kookmin và là chuyên gia về Triều Tiên, nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp