1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hành lang Wakhan - điểm "tử huyệt" của Trung Quốc tại biên giới Afghanistan

Thanh Thành

(Dân trí) - Trung Quốc luôn cảnh giác với Hành lang Wakhan, dải đất hẹp và cô lập của Afghanistan, vì lo ngại nó có thể trở thành "cửa ngõ" tấn công khủng bố của các phiến quân Hồi giáo nhằm vào Tân Cương.

Hành lang Wakhan - điểm tử huyệt của Trung Quốc tại biên giới Afghanistan - 1

Hành lang Wakhan tại tỉnh Badakhshan ở miền bắc Afghanistan (Ảnh: AFP).

Ngau khi Taliban từng bước kiểm soát Afghanistan, Trung Quốc đã làm rõ với nhóm Hồi giáo vũ trang này rằng, Bắc Kinh ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sự ổn định dọc biên giới chung giữa hai nước ở Hành lang Wakhan.

Afghanistan và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 74 km dọc theo Hành lang Wakhan, một dải đất hẹp, khắc nghiệt và khó tiếp cận, kéo dài khoảng 350 km từ tỉnh Badakhshan ở phía đông bắc Afghanistan đến vùng Tân Cương của Trung Quốc.

Hành lang Wakhan được biết đến là nơi không thể tiếp cận được trong hầu hết thời gian trong năm do độ cao, thời tiết khắc nghiệt và không có lối vào. Nó nằm ở tỉnh Badakhshan hẻo lánh của Afghanistan, nơi 3 trong số các dãy núi lớn trên thế giới Hindu Kush, Karakoram và Pamirs gặp nhau để tạo thành cái được gọi là "dãy núi Pamir".

Hành lang Wakhan - điểm tử huyệt của Trung Quốc tại biên giới Afghanistan - 2

Hàng lang Wakhan (Wakhan Corridor) nằm ở biên giới Afghanistan và Trung Quốc (Đồ họa: Oxford Analytica).

Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn ở nước láng giềng Afghanistan, vì lo các phiến quân có thể sử dụng khu vực này tấn công khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Bắc Kinh cáo buộc Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM), một nhóm ly khai do các phiến quân Duy Ngô Nhĩ lập ra, đã gây ra hàng loạt vụ tấn công bạo lực ở Tân Cương trong thập niên qua, bao gồm các vụ đánh bom xe chết người vào năm 2014 và các vụ tấn công chết người ở những nơi khác trong nước, trong đó có Bắc Kinh. Do Taliban có mối quan hệ chặt chẽ với ETIM, Trung Quốc đặc biệt lo lắng nguy cơ (ETIM) sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.

Theo một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được công bố vào tháng 5/2020, ETIM có khoảng 500 thành viên ở miền bắc Afghanistan, chủ yếu nằm ở tỉnh Badakhshan, ngay sát Tân Cương qua hành lang Wakhan.

Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp các đại diện của Taliban ở Thiên Tân vào cuối tháng 7, ông đã đặc biệt yêu cầu Taliban "đoạn tuyệt hoàn toàn" với ETIM. Taliban cam kết rằng sẽ "không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào" hoạt động gây bất lợi cho các nước láng giềng. Vào thời điểm đó, Taliban đã gần như kiểm soát hoàn toàn Badakhshan dù vẫn chưa tiếp quản thủ đô Kabul.

Báo SCMP dẫn các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết, vào năm 2018, Bắc Kinh đã tài trợ và xây dựng một trại huấn luyện cho quân đội Afghanistan ở Hành lang Wakhan.

Nói về động thái này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Afghanistan nhấn mạnh, "sẽ không có binh lính Trung Quốc nào trên đất Afghanistan vào bất kỳ lúc nào và dưới bất kỳ hình thức nào". Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho nước láng giềng như một phần của các nỗ lực hợp tác an ninh, bao gồm cả các hoạt động chống khủng bố".

Trung Quốc công bố viện trợ quân sự 70 triệu USD cho Afghanistan vào tháng 3/2016. Ngoài ra, theo các nguồn tin, Bắc Kinh cũng được cho là đã xây dựng các tiền đồn quân sự ở Tajikistan gần biên giới với Afghanistan. Bắc Kinh phủ nhận điều này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ hưởng lợi ích kinh tế lớn khi biên giới Afghanistan ổn định vì nó sẽ giúp họ tăng cường ảnh hưởng trong khu vực với Sáng kiến vành đai, con đường.