Hàng loạt trang web Nhật Bản bị tấn công
(Dân trí) - Ít nhất 19 trang web của Nhật Bản, trong đó có cả trang web của chính phủ, đã trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công mạng được cho là từ phía Trung Quốc kéo dài suốt từ ngày 11/9, cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết.
Một trang web của Nhật Bản bị tấn công.
Theo NPA, những kẻ tấn công chủ yếu sử dụng phương pháp tấn công "từ chối dịch vụ" khiến người dùng không thể truy cập hoặc khó truy cập vào 11 trang web, trong khi một số trang web khác bị tin tặc thay đổi nội dung.
“Giao diện nhiều trang web của Nhật Bản được thay thế bằng dòng thông điệp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông”, NPA cho biết trong thông báo đưa ra ngày hôm qua.
Trong số những trang web bị tấn công có các trang web của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Truyền thông, Tòa án Tối cao, Học viện Công nghệ Tokyo (TIT), các ngân hàng, cơ sở điện lực, các công ty tư nhân.
Máy chủ của phần lớn các trang web này đã bị làm cho tê liệt hoàn toàn do phải nhận một lượng lớn dữ liệu trong thời gian ngắn.
“Chiều 15/9, 95% lưu lượng truy cập vào trang web của Bộ Nội vụ và Truyền thông có nguồn gốc từ Trung Quốc”, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản dẫn lời Bộ trưởng Tatsuo Kawabata cho biết.
Học viện Công nghệ Tokyo cũng cho biết trang web của Trung tâm Nghiên cứu Văn minh thế giới đã bị tấn công, làm rò rỉ dữ liệu cá nhân của hơn 1.000 người từng tham gia các sự kiện của trung tâm này, khiến TIT phải tạm thời đóng cửa trang web.
“Tin tặc đã đánh cắp các dữ liệu cá nhân, bao gồm họ, tên, số điện thoại... của 1.068 người tham gia các sự kiện của TIT”,.học viện này cho biết.
Ngoài ra, NPA còn xác nhận có khoảng 300 tổ chức Nhật Bản đã được liệt vào danh sách các mục tiêu tấn công tiềm năng của Honker Union, một nhóm tin tặc Trung Quốc.
Tuy nhiên đến sáng 19/9, hoạt động của phần lớn các trang web bị tấn công đã trở lại bình thường và nội dung của các trang web cũng không bị xáo trộn nhiều.
Vụ tấn công mạng xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản đang vướng vào vòng tranh cãi chủ quyền liên quan đến quần đảo không có người ở Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Cuộc tranh cãi tái bùng phát từ khoảng tháng Tư năm nay nhưng lên đến đỉnh điểm vào ngày 11/9 khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố mua lại 3 trong số 5 hòn đảo ở Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân là một gia đình người Nhật.
Căng thẳng đã dẫn tới các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Trung Quốc, thậm chí bùng phát thành bạo lực, buộc nhiều công ty lớn của Nhật Bản phải đóng cửa nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Nhiều nhà hàng, cửa hiệu bán đồ Nhật cũng phải đóng cửa, trong khi các công dân Nhật sinh sống tại Trung Quốc không dám ra khỏi nhà.
Không chỉ thế, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc còn cử nhiều tàu hải giám và ngư chính ra vùng biển quanh quần đảo tranh chấp nhằm “nắn gân” Nhật Bản, đồng thời gửi tuyên bố về điểm cơ sở và đường cơ sở lãnh hải quanh Senkaku/Điếu Ngư lên Liên hợp quốc.
Có thể nói quan hệ Trung – Nhật đang trải qua thời kỳ căng thẳng nhất kể từ năm 2005, khiến cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ cũng phải lo lắng.