1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hàng loạt tập đoàn Mỹ vẫn đổ tiền vào Trung Quốc, vì sao?

Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến công nghệ, các tập đoàn như Intel vẫn ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc vì phụ thuộc vào nước này về nguồn doanh thu đáng kể, chuỗi sản xuất và thậm chí là những tài năng.

Đó là thông điệp của ông Naveen Rao, giám đốc về trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn Intel (Mỹ), tại hội nghị các nhà phát triển trí thông minh nhân tạo thường niên của Tập đoàn công nghệ Baidu (Trung Quốc) ở Trung Quốc hồi cuối tuần qua. Intel là nhà tài trợ hàng đầu của sự kiện có 7.000 người tham dự này.

Intel đã kiếm được 27% doanh thu tại Trung Quốc vào năm ngoái, nhiều hơn ở Mỹ hoặc bất kỳ thị trường nào khác. Một phát ngôn viên của Intel cho biết tập đoàn vẫn hợp tác với các khách hàng Trung Quốc không nằm trong danh sách bị xem là mối đe dọa an ninh của Mỹ. Trung Quốc là một thị trường đáng kể đối với Intel và hiện tại ông trùm công nghệ Mỹ này không có ý định rút lui.

Hàng loạt tập đoàn Mỹ vẫn đổ tiền vào Trung Quốc, vì sao? - 1

Hội nghị các nhà phát triển trí thông minh nhân tạo thường niên của Tập đoàn công nghệ Baidu ở Trung Quốc hồi cuối tuần qua. (Ảnh: Reuters)

 

Không riêng gì Intel, Tập đoàn Apple phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc không chỉ sản xuất máy tính Mac và iPhone mà còn là thị trường tiêu dùng lớn, chiếm khoảng 20% ​​doanh số. Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế lên các sản phẩm của Apple, công ty có trụ sở tại bang California này đang lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất máy tính Mac Pro mới sang Trung Quốc, phát đi tín hiệu rõ ràng sẽ ủng hộ thị trường nền kinh tế thứ hai thế giới.

Tập đoàn Walmart tuần trước cũng cam kết đầu tư 1,2 tỉ USD vào Trung Quốc để nâng cấp các trung tâm phân phối hậu cần.

Hãng sản xuất máy bay Boeing đang đàm phán để bán 100 máy bay cho các hãng hàng không Trung Quốc, đây được xem là một trong những thỏa thuận lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Trong khi đó, bất chấp tuyên bố nới lỏng hạn chế đối với Tập đoàn viễn thông Huawei gần đây của Mỹ, gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc vẫn chưa được xóa tên khỏi danh sách cấm của Washington. Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ đã nộp đơn xin giấy phép đặc biệt để có thể bán linh kiện cho Huawei.

Những rào cản thương mại của chính quyền Washington vẫn không ngăn được nhà sản xuất chip Micron Technology cố tìm mọi cách để tiếp tục cung cấp hàng cho Huawei, một trong những khách hàng lớn nhất của công ty này. Ngành công nghiệp chất bán dẫn Mỹ cũng vận động chính quyền ông Trump nới lỏng các hạn chế đối với Huawei.

Trong khi đó, ông James Lewis, giám đốc chương trình chính sách công và công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay các công ty Trung Quốc cũng đang chạy đua để trở nên ít phụ thuộc hơn vào các công ty Mỹ vốn đang nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh của mình.

Theo Xuân Mai

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm