1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàng loạt nhà báo Mỹ bị giết vì công việc

Vụ xả súng trên sóng trực tiếp khiến hai nhà báo của đài CBS thiệt mạng ngày 26/8 chỉ là một trong số những vụ nhà báo bị sát hại khi đang làm việc, hoặc vì những lý do liên quan tới công việc của họ, gần đây nhất ở Mỹ.

Hồi tháng 8/2007, cây bút điều tra của tờ Oakland Post Chauncey Bailey đã bị một người đàn ông đeo mặt nạ bắn nhiều phát vào người trên đường phố Oakland. Ông Bailey mới là Tổng biên tập của tờ Oakland Post được 2 tháng khi bị sát hại.

Hàng loạt nhà báo Mỹ bị giết vì công việc - 1

Cây bút điều tra Chauncey Bailey.

Thủ phạm sát hại ông Bailey, Devaughndre Broussard, ra đầu thú ngày hôm sau, nói rằng hắn tức giận vì bài báo điều tra tiệm bánh mì Your Black Muslim Bakery, nơi hắn ta làm việc. Nhà báo Bailey đã điều tra tiệm bánh trên vì các hoạt động phạm tội và tham nhũng. Chỉ 2 năm sau cái chết của ông Bailey, chủ tiệm bánh Yusuf Bey 4, được xác nhận là chủ mưu vụ sát hại Bailey vì nhà báo này chuẩn bị phanh phui các hành vi phạm tội của hắn.

Robert Stevens, 63 tuổi, biên tập viên hình ảnh của tờ The Sun ở Boca Raton, bang Florida qua đời tháng 10/2001 sau khi mở bức thư có chứa mẫu phẩm bệnh than chết người. Mẫu bệnh phẩm cũng được gửi tới các quan chức và các nhà báo khác, trong đó có nhà báo Tom Brokaw của đài truyền hình NBC, sau các vụ tấn công ngày 11/9. Thủ phạm được xác định là nhà vi trùng học Bruce Ivins, người đã tự sát năm 2008 sau khi nghe tin FBI đang chuẩn bị buộc tội giết người cho y.

Liên quan các vụ tấn công ngày 11/9, phóng viên ảnh tự do Bill Biggart đã bị giết khi đang tới tòa tháp đôi WTC để chụp ảnh sự kiện. Thi thể và máy ảnh của phóng viên 54 tuổi này được phát hiện bên dưới đống đổ nát ngày 15/9/2001. Những bức ảnh về thảm kịch 11/9 của ông sau đó đã được Bảo tàng lịch sử Mỹ và Trung tâm ảnh quốc tế trung bày.

Hàng loạt nhà báo Mỹ bị giết vì công việc - 2

Bài viết về phóng viên ảnh dũng cảm Bill Biggart.

Trong khi đó, nhà báo Mỹ James Edwin Richards đã bị sát hạt tại nhà riêng ở Venice, California ngày 18/10/2000. Ông là chủ biên tờ Neighborhood News, một người chuyên vạch trần sự thực về các vụ xả súng, ma túy, trộm cắp,… thậm chí tới tận hiện trường các vụ án và chụp ảnh các vụ án ma túy. Điều đó khiến ông Richards trở thành kẻ thù của những tên tội phạm ở khu vực, cũng như dẫn tới cái chết của ông.

Manuel de Dios Unanue là chủ chương trình trên sóng radio và cựu chủ bút báo El Diario la Prensa, báo tiếng Tây Ban Nha lớn nhất ở New York. Sau khi rời tòa soạn El Diario la Prensa năm 1989, ông là chủ chương trình “What others try to silence”, nơi ông công khai tên của những trùm ma túy ngay trên sóng phát thanh.

Ông đã xuất bản một cuốn sách về những tổ chức vận chuyển ma túy, hai tạp chí phanh phui những tội phạm ma túy, cũng như các bức ảnh về hoạt động phạm tội của chúng. Ngày 11/3/1992, ông bị ám sát trong một quán bar ở Queens dưới âm mưu của một tên trùm ma túy Colombia.

Ngoài ra, ba nhà báo Mỹ gốc Haiti đã bị sát hại ở Little Haiti, Miami trong vòng 3 năm.

Jean-Claude Olivier, người làm việc tại đài phát thanh WLQY, đã bị sát hại trên đường ra bãi đỗ xe ngày 18/2/1991 vì quan điểm chính trị thẳng thắn. Ông Olivier ủng hộ Tổng thống Haiti mới được bầu cử khi đó Jean-Bertrand Aristide, người bị một nhóm quân sự lật đổ sau đó cùng năm.

Đồng nghiệp của Olivier, Fritz D’Or, chủ một chương trình phát thanh cho WLQY, cũng như nhà hoạt động nổi tiếng và nhân vật cộng đồng ở Little Haiti, đã bị ám sát ngày 15/3/2991 sau khi bị đe dọa nhiều lần vì ủng hộ Tổng thống Aristide.

Dona St.Olite là một phóng viên sinh ra tại Haiti làm việc cho đài phát thanh WKAT ở Miami. Ông bị sát hại ngày 24/10/1993 sau khi gây quỹ ủng hộ cho gia đình Fritz D’Or. Ông cũng là nhân vật ủng hộ Tổng thống Haiti Aristide.

Theo HN/RT/baotintuc.vn

Hàng loạt nhà báo Mỹ bị giết vì công việc - 3