Hàng giả từ "đại công xưởng" Trung Quốc tràn ngập châu Âu
Hàng giả, trong đó có một số lượng lớn xuất phát từ “đại công xưởng” Trung Quốc, đang tràn ngập thị trường châu Âu và mang tới những hậu quả rất tiêu cực cho thị trường lớn này.
Trong báo cáo mới công bố, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) cảnh báo về nạn hàng giả gia tăng tới mức báo động tại thị trường châu Âu. EESC sau khi ước tính quy mô doanh số của hoạt động kinh doanh hàng giả toàn cầu đạt từ 600 tỷ euro tới 1.000 tỷ euro đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cùng các nước thành viên liên minh cần hành động và hợp tác nhằm chống lại vấn đề này.
Cùng chung đánh giá với EESC, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng có đến 5% hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu, tương đương tổng trị giá khoảng 85 tỷ USD, là hàng giả hay vi phạm bản quyền sản phẩm. Hàng giả tràn ngập đã và đang đưa đến những vấn đề nghiêm trọng đối với cả kinh tế và xã hội cho châu Âu.
Hệ quả dễ thấy nhất là hàng giả và hàng nhái các sản phẩm nổi tiếng hay thông dụng tại châu Âu đã khiến châu lục này mất đi một số lượng việc làm, kèm theo đó là những nguồn thu không nhỏ. Theo OECD, hàng giả tràn lan đã “cướp” đi của các quốc gia châu Âu khoảng 800.000 việc làm cùng số tiền các loại thuế khoảng 14,3 tỷ USD mỗi năm.
Hàng giả với chất lượng không thể kiểm soát, đặc biệt là các chất độc hại, đã tạo ra những nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Báo cáo của EESC cho rằng, nạn hàng giả cũng rất nguy hiểm đối với người tiêu dùng châu lục này, trong khi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 700.000 người thiệt mạng mỗi năm trên toàn cầu chỉ do sử dụng thuốc giả.
Hàng giả hoành hành còn khiến vấn đề an ninh trật tự tại châu Âu thêm phức tạp bởi theo Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), hoạt động trái phép này ngày càng mang lại lợi nhuận khủng cho các nhóm tội phạm có tổ chức. Trong khi đó, theo Europol, hiện nay khoảng 39% GDP và 26% số việc làm tại EU đến từ lĩnh vực công nghiệp có mức độ bảo hộ trí tuệ cao.
Báo cáo của EESC không “vạch mặt chỉ tên” thủ phạm của nạn hàng giả đang tràn ngập thị trường châu Âu. Tuy nhiên, Europol trong một báo cáo công phu công bố cuối tháng 6 vừa qua đã đưa ra con số mà nhiều người không cảm thấy bất ngờ: Trung Quốc là nơi xuất xứ của 86% hàng giả trên thế giới, mang lại cho nơi được mạnh danh là “đại công xưởng của thế giới” này tới 400 tỷ USD mỗi năm.
Theo Europol, sự xuất hiện của tuyến tàu hỏa chạy thẳng giữa Trung Quốc và EU với giá cước chỉ bằng 1/2 cước vận chuyển đường hàng không và 1/2 thời gian vận chuyển bằng tàu biển, đã khiến hàng giả Trung Quốc “mọc thêm cánh” vào châu Âu. Trong đó, chỉ riêng sản phẩm quần áo và giày dép giả ở châu Âu đã khiến EU mất 26,3 tỉ euro/năm, gây tổn hại lớn đến các doanh nghiệp chuyên sản xuất và gia công hàng thật.
Chống hàng giả vì thế là một nhiệm vụ cấp bách đối với châu Âu mà theo EESC thì EU cần phải đề ra một khuôn khổ pháp lý của châu Âu mới với một kế hoạch hành động được phối hợp và tài trợ toàn diện. Cho rằng hàng giả không thể tồn tại nếu không có người tiêu dùng, EESC đã kêu gọi cải thiện việc tuyên truyền đến người tiêu dùng châu Âu về những nguy cơ do hàng giả gây ra đồng thời chỉ cho họ thấy các phương cách nhận biết hàng giả nhờ vào công nghệ mới.
Theo Hoàng Tuấn
An ninh thủ đô