1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hàng chục nghìn người biểu tình rầm rộ khắp Myanmar

Thành Đạt

(Dân trí) - Hàng chục nghìn người tại các thành phố lớn biểu tình phản đối đảo chính tại Myanmar và đòi thả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Biểu tình rầm rộ phản đối đảo chính ở Myanmar
Hàng chục nghìn người biểu tình rầm rộ khắp Myanmar - 1

Người dân cầm ảnh của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi khi xuống đường biểu tình ở thành phố Yangon, Myanmar ngày 6/2. (Ảnh: Reuters)

Tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, những người biểu tình ngày 6/2 đã xuống đường, hô vang khẩu hiệu, "Độc tài quân sự, thất bại, thất bại; Dân chủ, chiến thắng, chiến thắng" và giơ các biểu ngữ "Chống chế độ độc tài quân sự." Những người bên ngoài tiếp tế thức ăn và nước uống cho họ.

Hàng nghìn người khác xuống đường biểu tình ở thành phố Mandalay và thủ đô Naypyidaw, nơi tập trung các tòa nhà chính phủ. Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu chống đảo chính và kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi.

Hàng chục nghìn người biểu tình rầm rộ khắp Myanmar - 2

Khẩu hiệu "Người dân phản đối đảo chính quân sự" xuất hiện trong cuộc biểu tình ở Yangon. (Ảnh: Reuters)

Hàng nghìn người diễu hành tới Tòa thị chính Yangon. Các tài xế bấm còi và rướn người ra khỏi xe để phản đối đảo chính và kêu gọi thả cố vấn nhà nước. Một số người biểu tình giơ cao cờ của đảng NLD hoặc hình ảnh của bà Suu Kyi và vỗ tay và nhảy múa.

Hàng chục nghìn người biểu tình rầm rộ khắp Myanmar - 3

Đường phố Yangon chật cứng người biểu tình. (Ảnh: Reuters)

Tới tối 6/2, người biểu tình ở Yangon giải tán gần hết. Tuy nhiên, hàng loạt âm thanh vẫn vang lên trong bóng tối khi mọi người gõ nồi niêu, xoong chảo và trống để thể hiện sự phản đối cuộc đảo chính, ngay cả khi nhiều khu vực của Yangon bị mất điện. Đây là đêm thứ 5 liên tiếp người Myanmar gõ xoong nồi để phản đối đảo chính.

Vào tối muộn, tin đồn về việc Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi được trả tự do đã dẫn đến những hoạt động ăn mừng ồn ào trên đường phố. Tuy nhiên, luật sư của bà Suu Kyi nhanh chóng bác bỏ thông tin này.

Nhiều người reo hò và đốt pháo khi nghe tin bà Aung San Suu Kyi được thả. Tuy nhiên, luật sư Khin Maung Zaw của bà Suu Kyi phủ nhận nhà lãnh đạo 75 tuổi đã được trả tự do và nói với Reuters rằng bà vẫn đang bị quản thúc.

Hàng chục nghìn người biểu tình rầm rộ khắp Myanmar - 4

Người dân gõ xoong nồi phản đối đảo chính ở Yangon. (Ảnh: Reuters)

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, nhưng các tướng lĩnh quân đội đã từ chối công nhận kết quả và tuyên bố có gian lận.

Các cuộc biểu tình lan rộng bất chấp lệnh phong tỏa internet được áp đặt sau khi người biểu tình bắt đầu tụ tập. Đài truyền hình nhà nước MRTV chiếu những cảnh ca ngợi quân đội từ sáng tới tối.

Hàng chục nghìn người biểu tình rầm rộ khắp Myanmar - 5

Các vật dụng được dùng để tạo tiếng ồn nhằm phản đối đảo chính ở Yangon. (Ảnh: Reuters)

Tổ chức giám sát NetBlocks Internet Observatory báo cáo tình trạng "mất internet trên quy mô toàn quốc" ở Myanmar. Tổ chức này thông báo trên Twitter rằng kết nối đã giảm xuống mức 16% so với thông thường.

Chính quyền quân sự tại Myanmar mở rộng "trấn áp" mạng xã hội bằng cách chặn thêm Twitter và Instagram, sau khi tìm cách hạn chế quan điểm bất đồng bằng cách chặn Facebook - mạng xã hội được một nửa dân số Myanmar sử dụng. Facebook đã kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar dỡ bỏ lệnh cấm các mạng xã hội.

Hàng chục nghìn người biểu tình rầm rộ khắp Myanmar - 6

Cảnh sát chống bạo động đối phó người biểu tình ở Yangon. (Ảnh: Reuters)

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, tạm thời nắm quyền lãnh đạo đất nước. Quân đội Myanmar cáo buộc gian lận bầu cử, mặc dù ủy ban bầu cử cho biết họ không tìm thấy bằng chứng cho thấy có những bất thường trên diện rộng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.

Chính quyền quân sự đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và hứa sẽ chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra vào thời điểm nào.

Cố vấn nhà nước Suu Kyi bị cáo buộc nhập khẩu trái phép các thiết bị liên lạc, trong khi Tổng thống bị lật đổ Win Myint bị cáo buộc vi phạm các quy định về dịch Covid-19. Cả 2 nhà lãnh đạo đều không xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc đảo chính. Luật sư của họ cho biết họ đang bị giam giữ tại nhà riêng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm