1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc tham vọng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí bậc nhất thế giới

Minh Phương

(Dân trí) - Hàn Quốc đang tận dụng những ưu thế của ngành công nghiệp quốc phòng để mở rộng thị phần trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Hàn Quốc tham vọng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí bậc nhất thế giới - 1

Một pháo tự hành K9 của Hàn Quốc cung cấp cho Ba Lan (Ảnh: Reuters).

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, doanh thu vũ khí của Hàn Quốc năm 2022 đạt hơn 17 tỷ USD, tăng vọt so với con số hơn 7 tỷ USD một năm trước đó, trong bối cảnh phương Tây tìm kiếm nguồn cung để viện trợ cho Ukraine trong khi căng thẳng cũng leo thang ở các điểm nóng khác như Triều Tiên, Biển Đông.

Hàn Quốc đang tận dụng hợp đồng vũ khí lớn chưa từng có, trị giá gần 14 tỷ USD với Ba Lan để đặt nền tảng cho ngành công nghiệp quân sự của nước này.

Hợp đồng với Ba Lan gồm cung cấp hàng trăm bệ phóng rocket Chunmoo, xe tăng K2, pháo tự hành K9, máy bay chiến đấu FA-50. Giá trị hợp đồng và số lượng vũ khí cung cấp khiến Hàn Quốc nổi bật thậm chí trong nhóm các quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Giới chức Hàn Quốc và Ba Lan nói rằng, quan hệ hợp tác sẽ giúp họ chinh phục thị trường vũ khí châu Âu với việc Seoul có khả năng cung cấp vũ khí chất lượng cao nhanh hơn so với các nước khác, trong khi Ba Lan có thể đáp ứng năng lực sản xuất và phân phối vào châu Âu.

"Cộng hòa Séc, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania và các nước khác vốn nghĩ rằng họ chỉ có thể mua thiết bị quốc phòng ở châu Âu, nhưng hiện giờ họ có thể mua chúng với giá thành rẻ hơn và nhanh chóng hơn từ các doanh nghiệp của Hàn Quốc", Oh Kyeahwan, giám đốc tại Công ty Hanwha Aerospace - một trong những doanh nghiệp tham gia hợp đồng - cho biết.

Hanwha Aerospace hiện chiếm 55% thị phần toàn cầu về lựu pháo, tỷ lệ này dự kiến sẽ lên 68% sau hợp đồng với Ba Lan. Ông Kyeahwan nói: "Chúng tôi không muốn chỉ đóng vai trò thầu phụ, bên chuyển giao công nghệ hay bên mua hàng. Chúng tôi có thể cùng tạo ra sức mạnh tổng hợp, tận dụng kinh nghiệm để thống lĩnh thị trường châu Âu".

Xét về tốc độ giao hàng, theo giới chức Ba Lan, Hàn Quốc đã bàn giao lô hàng gồm 10 xe tăng K2 và 24 pháo tự hành K9 vào tháng 12 năm ngoái, chỉ vài tháng sau khi hai bên ký kết hợp đồng. Kể từ đó đến nay, Seoul đã giao thêm ít nhất 5 xe tăng và 12 lựu pháo. Trong khi đó, Đức, nhà sản xuất vũ khí lớn, vẫn chưa chuyển xe tăng Leopard đời mới nào sau đơn đặt hàng năm 2018 của Hungary.

Ngoài tốc độ giao hàng, một ưu thế khác của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc là khả năng tương thích với các hệ thống vũ khí của Mỹ và NATO.

Tuy nhiên, Sash Tusa, một chuyên gia về quốc phòng tại Viện nghiên cứu Agency Partners, cho rằng mặc dù Hàn Quốc và Ba Lan đều có ngành công nghiệp quốc phòng mạnh, nhưng kế hoạch dài hạn của họ có thể đối mặt nhiều thách thức. Ông chỉ ra một số thách thức như biến động chính trị, nhu cầu của thị trường với các loại vũ khí như xe tăng, lựu pháo giảm.

Theo Reuters