1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàn Quốc “mặc cả lớn” với Triều Tiên

(Dân trí) - Hàn Quốc đã “mặc cả lớn” với Triều Tiên bằng đề xuất Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy bảo đảm an ninh, viện trợ kinh tế. Đề nghị này được đưa ra cùng lúc Trung Quốc nhận định, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã bớt căng thẳng.

Hàn Quốc “mặc cả lớn” với Triều Tiên - 1

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak

Ông Lee đã có đề nghị như vậy hôm 22/9 ở thành phố New York trước phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. “Đây là cách duy nhất để Triều Tiên tự cứu mình”, ông Lee nói.

Các nhà ngoại giao Hàn Quốc cùng các đối tác gọi đề nghị này là “cơ hội cuối cùng” Hàn Quốc đưa ra với Triều Tiên.

Đề xuất kêu gọi Triều Tiên từ bỏ ngay các chương trình vũ khí hạt nhân và quay trở lại bàn đàm phán ngoại giao với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc. Đổi lại, Triều Tiên cũng nhận được hỗ trợ quốc tế cũng như các đảm bảo an ninh.

Theo Tổng thống Hàn Quốc, trong 20 năm qua, các bên liên quan đã giữ gìn nguyên tắc “hành động đổi hành động” với miền Bắc về giải trừ hạt nhân và bồi thường theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, nguyên tắc này “được Bình Nhưỡng tận dụng như là biện pháp đòi hỏi những gì mình muốn và thu lợi ích trong khi bí mật phát triển hạt nhân”.

Ông cũng cho biết Bình Nhưỡng không nên hiểu sai việc này như một lời đe dọa hay bao vây chế độ của mình; phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cần ưu tiên thực hiện để đi đến thống nhất bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân sẽ là một nội dung chủ yếu trong đối thoại liên Triều. Tình hình kinh tế của miền Bắc cần cải thiện, sau đó mới tính đến thống nhất 2 miền.

Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc hội đàm Ngoại trưởng Hàn-Mỹ cùng ngày 22/9, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết đề xuất “mặc cả lớn” của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hàm ý rằng cộng đồng quốc tế bao gồm Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho Triều Tiên nếu miền Bắc tuân thủ và thực thi một cách chân thành và trung thực những thỏa thuận.

Ông Kurt Campbell cũng cho biết, một trong những nguyên tắc mà hai ngoại trưởng Hàn-Mỹ nhất trí là khả năng đối thoại trực tiếp Triều-Mỹ trong khuôn khổ đàm phán 6 bên.

“Căng thẳng đã giảm trên bán đảo Triều Tiên”

Bình Nhưỡng vẫn chưa có phản ứng với đề xuất này. Nhưng trong những tuần vừa qua, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il đã có chỉ dấu cởi mở, khi nói với đặc sứ Trung Quốc rằng ông sẽ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán mới.

Ngày 22/9, chỉ 4 ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il tuyên bố ông sẵn sàng đối thoại về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên, Trung Quốc cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm bớt.

“Hiện tại, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã đổi chiều theo hướng tích cực hơn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói với báo giới, sau khi Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc kết thúc chuyến thăm Bình Nhưỡng và có cuộc gặp với ông Kim Jong-il. “Bàn thương lượng 6 bên là dụng cụ thực tế và đáng tin cậy để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua đối thoại”.

Trung Quốc đưa ra nhận định trên cùng ngày truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đã phái một đoàn quân sự cấp cao tới Trung Quốc. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA loan tin rằng phái đoàn này do Thứ trưởng Quốc phòng Pak Jae Gyong dẫn đầu.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là dịp kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc cũng đứng ra chủ trì các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhật Mai
Theo AP, Yonhap