1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Hàn Quốc đối phó với tình trạng chết vì làm việc kiệt sức

(Dân trí) - Park Huyn-suk mất khá nhiều thời gian “lục lọi” trong điện thoại để tìm thấy một tấm ảnh chụp chung với người chồng đã qua đời vì gwarosa, ám chỉ tình trạng chết vì làm việc kiệt sức.

(Ảnh minh họa: New York Times)
(Ảnh minh họa: New York Times)

“Tôi cứ nghĩ là vợ chồng tôi đã chụp vài bức ảnh với nhau rồi cơ. Chúng tôi không đi cùng nhau trong chuyến đi này à?”, bà Park vừa nói vừa tiếp tục kéo ngón tay trên màn hình điện thoại.

Khi con gái của bà vận dụng hết trí nhớ để trợ giúp, bà Park cuối cùng đã tìm thấy một tấm ảnh, trong đó chồng bà đang mặc bộ quần áo và đội mũ bảo hộ.

Chae Soo-hong, chồng bà Park, từng làm việc trong một công ty cung cấp món ăn jangjorim. Đây là món ăn nổi tiếng Hàn Quốc nấu từ thịt bò và nước tương. Nhiệm vụ của ông Chae là đảm bảo dây chuyền sản xuất vận hành đúng thời gian quy định và đảm bảo tiêu chuẩn.

Những ngày trong tuần, ông Chae sẽ tới nhà máy của công ty và giám sát sản xuất. Vào ngày thứ 7, ông sẽ tới trụ sở hoàn thiện giấy tờ thủ tục. Ngay cả sau khi tan sở, công việc của ông Chae vẫn chưa thể hoàn tất. Ông sẽ dành một buổi tối gọi điện cho các công nhân nhà máy, hầu hết là lao động nhập cư, hỏi han tình hình và cân nhắc xem có thể trợ giúp gì cho cuộc sống của họ hay không.

“Khi ông ấy mới vào công ty làm từ năm 2015, quy mô chỉ là 30 nhân viên. Nhưng khi ông ấy qua đời, công ty đã có 80 nhân viên và công việc của ông ấy không ngừng tăng lên”, bà Park trả lời CNN.

Công việc của ông Chae nhiều đến mức khi ông về nhà, ông sẽ dành phần lớn thời gian chỉ để ngủ.

Ông Chae qua đời lúc 19h00 một ngày thứ 7 hồi tháng 8/2017. Vào buổi sáng, khi chuẩn bị đi làm, ông Chae nói rằng ông cảm thấy rất mệt, nhưng bà Park không quá để tâm vì chồng bà lúc nào cũng thấy mệt mỏi.

“Lẽ ra tôi nên biết là ông ấy bị ốm. Ông ấy không về nhà ngày hôm đó”, bà Park cho biết.

Đồng nghiệp của chồng bà tìm thấy Chae khi ông đã nằm gục trên sàn công ty. Không thể xác định nguyên nhân chính xác dẫn tới cái chết của ông. Ông Chae chỉ là 1 trong hàng trăm người chết năm 2017 vì tình trạng kiệt sức khi làm việc, theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc. Trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số giờ làm việc mỗi tuần của người Hàn Quốc nhiều hơn trung bình toàn bộ các nước, và nhiều hơn 50% so với Đức.

Hồi tháng 7, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật nhằm giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 giờ xuống 40 giờ, với 12 giờ làm việc quá giờ. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng “đây sẽ là một cơ hội quan trọng để thay đổi từ một xã hội nghiện việc tới một xã hội dành nhiều thời gian hơn với gia đình”.

Tuy nhiên, với những gia đình có thân nhân đã chết vì làm việc kiệt sức, họ phải đối diện với cuộc chiến mới, “cuộc chiến” đòi tiền bồi thường.

“Cuộc chiến” đòi bồi thường

(Ảnh minh họa: Koreabiz)
(Ảnh minh họa: Koreabiz)

Vì ông Chae qua đời tại văn phòng, bà Park cho rằng cái chết của ông sẽ được xếp vào trường hợp qua đời vì công việc và sẽ được nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, bà Park phát hiện ra quá trình này phức tạp hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu.

Cơ quan phúc lợi và bồi thường người lao động Hàn Quốc (COMWEL) yêu cầu bà Park phải chứng minh rằng ông Chae chết khi đang làm việc.

“Đó thật sự là một thách thức. Ông ấy thường rời nhà lúc 7h00 và quay trở về lúc 22h00 và không có nhật ký lưu lại thời gian làm việc”, bà Park nói.

Luật pháp Hàn Quốc không chính thức thừa nhận những cái chết do làm việc quá tải, nhưng COMWEL thường thụ lý các vụ việc qua đời vì đau tim và đột quỵ vì làm việc nhiều hơn 60 giờ mỗi tuần trong 3 tháng. Cơ quan này sẽ coi những vụ việc này là chết vì làm việc kiệt sức và các gia đình thân nhân sẽ nhận được tiền bồi thường tử vong, hỗ trợ họ khi nguồn thu nhập chính của gia đình đã qua đời.

Dựa theo điều luật này và bà Park chứng minh được ông Chae làm việc tới 180 giờ trong nhiều tuần liên tiếp và điều này đã khiến ông tử vong, bà là một trong những người may mắn nhận được tiền.

Nâng cao nhận thức

Mỗi tháng 1 lần, bà Park và hàng chục người có hoàn cảnh tương tự khác lại tụ họp ở một căn phòng gần Noryangjin, Seoul tham gia sinh hoạt nhóm thân nhân của người chết vì lao động kiệt sức. Kang Min-jung là người sáng lập ra tổ chức này.

Người chú nuôi lớn và thương yêu cô Kang từ bé đã qua đời vì làm việc quá sức vì vậy Kang muốn tổ chức một nhóm gồm những người bị ảnh hưởng bởi những “cái chết trên bàn làm việc”.

Ban đầu nhóm của Kang chỉ có 3 người tới tham gia và không nhiều người hiểu rõ về mức độ rủi ro, quyền lợi và nghĩa vụ của gia đình thân nhân chết do làm việc quá sức. Kang cho rằng, “sự mù quáng” trong việc cống hiến hết sức là một trong những mối đe dọa dẫn tới tình trạng làm việc quá sức.

Bản thân, ông Chae là người thuộc thế hệ bùng nổ dân số ở Hàn Quốc. Đây là thế hệ coi công việc là lẽ sống và việc cống hiến hết mình để giúp đỡ gia đình là tiêu chuẩn của một người đàn ông chân chính. Họ sẽ không than vãn và không nghỉ ngơi.

Luật sư Kim Woo-tark, người thường trợ giúp các gia đình nộp hồ sơ xin COMWEL bồi thường, nói rằng văn hóa làm việc quá tải là tàn dư của cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Ông Kim cho rằng vì Hàn Quốc có thể nhanh chóng đứng dậy trở lại, vươn mình mạnh mẽ sau những thiệt hại của cuộc chiến, nên thời kỳ đó đã tạo nên một nền văn hóa “tôn sùng” lao động và cống hiến.

Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có nhiều chương trình, chính sách yêu cầu các công ty thực thi theo nhằm giảm tình trạng làm việc quá tải. Công ty KT thậm chí còn cài đặt một hệ thống báo giờ về, và hối thúc nhân viên nhanh chóng trở về nhà khi kết thúc công việc.

Kể từ khi các chính sách của chính quyền được thực thi, nhiều người lao động cho biết họ đã có nhiều thời gian với gia đình và bạn bè hơn. Ngoài ra, điều luật này cũng tạo ra thêm nhiều việc làm cho người lao động khi các doanh nghiệp buộc phải thuê thêm người để gánh vác công việc.

Đức Hoàng

Tổng hợp