1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàn Quốc đối mặt lỗ hổng chính trị

Bị chỉ trích về cách bổ nhiệm nhân sự, hiện chính phủ Hàn Quốc của nữ Tổng thống Park Geun-hye chỉ nhận được tỉ lệ ủng hộ chưa đến 40%.

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Wan-koo vừa đệ đơn từ chức do dính đến cáo buộc nhận hối lộ, khiến nữ Tổng thống Park Geun-hye lại đau đầu tìm người ngồi vào chiếc ghế “nóng” này.

Trước mắt, Phó Thủ tướng Choi Kyung-hwan sẽ tạm điều hành chính phủ thay ông Lee Wan-koo. Theo hãng tin Yonhap, bà Park đang công du các nước Mỹ Latin và sẽ chính thức quyết định có chấp nhận đơn xin từ chức của ông Lee hay không khi trở về nước vào tuần sau. Một quan chức Hàn Quốc giấu tên nói với Yonhap hôm 21-4 rằng nhiều khả năng nguyện vọng của ông Lee sẽ được đáp ứng.

Trong thông cáo phát đi từ thủ đô Lima - Peru cùng ngày, Tổng thống Park tuyên bố: “Tôi cảm thấy rất tiếc. Tôi cũng cảm thông với những gì mà Thủ tướng Lee phải chịu đựng”. Nhà lãnh đạo này nói thêm rằng các công tố viên sẽ làm sáng tỏ mọi việc bằng một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Tổng thống Park Geun-hye trong lễ bổ nhiệm Thủ tướng Lee Wan-koo hồi tháng 2-2015. (Ảnh:
 
Tổng thống Park Geun-hye trong lễ bổ nhiệm Thủ tướng Lee Wan-koo hồi tháng 2-2015. (Ảnh: YONHAP) 

Vừa nhậm chức được 2 tháng, ông Lee buộc phải xin từ chức vào cuối ngày 20-4 sau khi đảng đối lập chính tuyên bố sẽ tìm cách buộc tội ông. Ông Lee trở thành trung tâm của vụ bê bối hối lộ xuất phát từ bản danh sách viết tay do ông Sung Wan-jong, cựu Chủ tịch Tập đoàn Keangnam Enterprises, để lại sau khi tự tử hôm 9-4.

Các điều tra viên tìm thấy trong túi áo ông Sung, người đang bị điều tra tham nhũng, mảnh giấy liệt kê tên của 8 chính khách được cho là đã nhận tiền của ông. Trong số này, Thủ tướng Lee “nhận” 30 triệu won tiền mặt (600 triệu đồng) từ ông Sung Wan-jong trong lúc chạy đua vào Quốc hội hồi tháng 4-2013. Dù liên tục bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố sẽ “hy sinh” đời mình nếu các công tố viên phát hiện bằng chứng ông nhận hối lộ nhưng sức ép đòi Thủ tướng Lee từ chức không vì thế mà giảm đi.

Nếu đơn từ chức được chấp nhận, ông Lee sẽ đi vào lịch sử Hàn Quốc với tư cách một trong những thủ tướng tại nhiệm ngắn nhất. Và một lần nữa, Tổng thống Park phải đau đầu chọn người thay thế trong bối cảnh bà đang bị chỉ trích về cách bổ nhiệm nhân sự.

Ông Lee là người thứ ba được bà Park đề cử thế chỗ Thủ tướng Chung Hong-won, người từ chức vào năm ngoái để nhận trách nhiệm về cách thức xử lý vụ chìm phà Sewol. Hai lựa chọn trước ông Lee là Ahn Dai-hee và Moon Chang-keuk đều rút lui ngay trước khi quốc hội bỏ phiếu vì dính đến những tranh cãi về thu nhập hoặc quan điểm lịch sử.

Không những thế, vụ bê bối liên quan đến ông Lee còn giáng một đòn mạnh nữa vào uy tín của chính phủ của bà Park, vốn vẫn chưa khôi phục kể từ sau thảm họa Sewol. Tỉ lệ ủng hộ chính phủ do bà đứng đầu hiện chưa đến 40%.

Liên quan đến cuộc điều tra Keangnam Enterprises, theo kênh truyền hình Arirang, công tố viên đã đến trụ sở tập đoàn này hôm 21-4 để thu thập thêm bằng chứng như các băng ghi hình giám sát và các tài liệu, trong đó có các biên bản cuộc họp. Các công tố viên dự định triệu tập các trợ lý thân cận của ông Sung Wan-Jong trong thời gian tới.

Trước đó, có thông tin ông Hong Joon-pyo, tỉnh trưởng Nam Gyeongsang và là cựu chủ tịch Đảng Saenuri cầm quyền, sẽ là chính khách đầu tiên bị triệu tập thẩm vấn do dính líu đến danh sách nhận hối lộ của cựu chủ tịch Keangnam Enterprises.
Theo Huệ Bình
Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm