Hàn Quốc chạy đua xây nhà chọc trời với thế giới
(Dân trí) - Để chạy đua với các tháp cao tầng của Dubai, Thượng Hải, Hong Kong…, Hàn Quốc tỏ ra không kém cạnh khi 2 thành phố lớn của nước này là Incheon và Seoul đã tuyên bố sẽ xây dựng những công trình chọc trời cao hơn cả toà nhà cao nhất thế giới hiện nay.
Ngay sau khi thành phố Incheon công khai việc xây dựng tháp đôi chọc trời Songdo cao 613m, các chuyên gia thiết kế tại thành phố lân cận Seoul cũng vén màn bí mật kế hoạch thi công toà nhà Yongsan thậm chí còn cao hơn cả Songdo 20m.
Vào tháng 12/2006, một quan chức của Seoul đã tiết lộ dự án khổng lồ, xây dựng một toà nhà cao gần 975m, gồm 220 tầng, cao gần gấp 2 lần so với toà tháp Sears Tower tại Chicago (Mỹ).
Incheon và Seoul đã phản ánh sự bùng nổ việc xây dựng các toà tháp cao tầng lớn nhất thế giới kể từ khi nhà chọc trời xuất hiện hơn 1 thập kỷ trước. Các thành phố được coi là nam châm hút các toà nhà chọc trời gồm Dubai, Abu Dhabi, Hong Kong và các thành phố phát triển nhanh nhưng chưa mấy tiếng tăm tại Đông Nam Á và vùng Vịnh.
Tại Hàn Quốc, các thành phố lớn thi nhau xây nhà chọc trời. Ngoài Incheon và Seoul, Busan đang lên kế hoạch xây dựng 2 nhà chọc trời cao trên 100 tầng. Tại khu vực Trung Đông, Mecca và Doha cũng xây dựng những toà tháp mới. Các toà tháp cao tầng cũng sẽ mọc lên tại 6 thành phố lớn tại Trung Quốc như Quảng Châu, Thiên Tân và Ôn Châu. Các chuyên gia dự đoán rằng, làn sóng các nhà chọc trời tiếp theo có thể lộ ra từ nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển rất nhanh.
Daniel Kieckhefer, một đại diện của Công ty Dữ liệu Bất động sản có trụ sở tại Darmstadt (Đức) cho biết: “Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên xây dựng nhà chọc trời chưa từng thấy. Tôi đã được nghe về các thành phố của Trung Quốc đang xây dựng các toà nhà chọc trời cạnh tranh với các toà nhà tại New York”.
Theo Emporis, 42 dự án nhà chọc trời đang ở trong giai đoạn lên kế hoạch hoặc đang được thi công trên toàn thế giới. Ít nhất 33 toà tháp đã được hoàn thành trong vòng 80 năm qua và hiện toà nhà cao nhất thế giới là tháp Taipei 101 tầng ở Đài Loan, cao 508m, được xây dựng vào năm 2004.
Trong số các toà tháp được lên kế hoạch, chỉ có 5 dự án tại Mỹ, bao gồm New York: Tháp Tự do, cao 541m, được lên kế hoạch xây dựng tại Trung tâm thương mại thế giới từng là mục tiêu của khủng bố; Tháp ngân hàng Mỹ và Tháp New York Times. 2 tháp còn lại tại Chicago là tháp, khách sạn quốc tế Trump và tháp Waterview.
Rất nhiều toà nhà siêu cao tầng mới đang mọc lên tại các thành phố đông đúc, nơi đất đai rất khan hiếm và tầng lớp trung lưu mới nổi đang mong muốn sở hữu khu nhà ở và văn phòng hiện đại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, động lực để xây các nhà cao tầng đã chứng tỏ khát vọng của các quốc gia châu Á và vùng Vịnh muốn tham gia vào bảng xếp hạng quốc gia phát triển và để khẳng định rằng giây phút được chờ đợi lâu trong lịch sử cuối cùng đã đến.
Tại Hàn Quốc, một lý do khiến các dự án nhà cao tầng gia tăng bất ngờ là sự khát khao sánh kịp với các quốc gia láng giềng đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan.
Lee Bok-nam, chuyên viên nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế và xây dựng Hàn Quốc nói: “Người Hàn Quốc đã bị tổn thương chút ít bởi sự thật rằng Đài Loan có tòa nhà cao nhất thế giới và chúng tôi không có. Nếu họ có 1, chúng tôi cũng phải có 1”.
Hiện tại, Dubai vẫn là địa điểm xây dựng bận rộn nhất khi thành phố cảng hối hả tại Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đang nổi lên như một trung tâm tài chính của vùng Vịnh. Thành phố đã rót hàng tỉ USD vào hàng các toa tháp cao tầng.
Theo Emporis, khoảng 15 toà nhà cao tầng đang được lên kế hoạch xây dựng hoặc đang thi công tại đây, trong đó có Buri Dubai, giá trị đầu tư 1 tỉ USD. Toà tháp cao 161 tầng này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm tới.
Abdelrazaq, giám đốc điều hành công ty xây dựng và thiết kế Samsung nói: “Những toà nhà cao tầng chứng tỏ sức mạnh của công nghệ. Con người luôn luôn khát khao tới được điểm cao nhất mà họ có thể và công nghệ quyết định độ cao”.
Abdelrazaq cho biết, một trong những thách thức đối với các tháp cao tầng là gió. Thang máy tốt cũng là nhân tố quyết định. Đi thang máy tới tầng 89 của toà tháp Taipei chỉ mất có 37 giây. Các chuyên gia cho rằng trong tương lai, các toà nhà cao tầng có thể sử dụng thang máy di chuyển bằng nam châm thay vì bằng cáp như hiện nay, cho phép chúng có thể di chuyển theo đường chéo hoặc nghiêng.
Tháp Taipei gồm 101 tầng đã vượt qua sức mạnh của gió và động đất bằng việc sử dụng một công nghệ riêng. Đó là một quả bóng giảm sóc nặng 600 tấn được treo lơ lửng bằng cáp trên trong tầng cao nhất của toà nhà. Quả bóng này sẽ hoạt động giống như một quả lắc lớn, giữ vững cho toà nhà khi nó bắt đầu đung đưa.
Tại Hàn Quốc, sự bùng nổ kinh tế và lòng đam mê dân tộc đã sản sinh ra hàng tá các kế hoạch xây dựng nhà cao tầng. Điển hình trong dự án các toà nhà cao tầng là Toà tháp đôi Songdo Incheon, cao 151 tầng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013. Thủ đô Seoul cũng đang lên kế hoạch xây dựng toà nhà Yongsan 151 tầng.
Lee Seung-joo, giám đốc quản lý dự án toà tháp đôi Incheon nói: “Tất cả các thành phố thế giới đều có tháp cao tầng. Nó giống như một thương hiệu và tháp đôi của chúng tôi cũng sẽ là thương hiệu của Incheon trước thế giới”.
Kim Sang-dae, giảng viên ngành kỹ sư kiến trúc tại ĐH Hàn Quốc ở Seoul nói: “Một toà nhà cao tầng là niềm kiêu hãnh. Nó như một thông điệp gửi tới thế giới rằng chúng tôi đang sánh ngang với các bạn và chúng tôi không còn là một quốc gia nghèo”.
Ánh Ninh
Theo IHT