1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hamas kiếm tiền từ đâu?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Dù bị phong tỏa tứ phía trong gần 20 năm, Hamas vẫn có thể hoạt động mạnh nhờ tài trợ từ ngoài nước và doanh thu thuế từ hàng hóa đi vào Dải Gaza.

Hamas kiếm tiền từ đâu? - 1

Chiến binh Hamas tham gia tuần hành phản đối Israel ở thành phố Gaza ngày 22/5/2021 (Ảnh: Reuters).

Từ khi lên nắm quyền kiểm soát Dải Gaza sau khi giành chiến thắng bầu cử vào năm 2006, Hamas đã không ngừng xung đột với Israel, với vụ tập kích gây choáng váng vào ngày 7/10. Đằng sau các cuộc tấn công ấy là cách tổ chức khôn khéo các yếu tố nhân lực, tài chính và trang thiết bị.

Bên cạnh các khoản ủng hộ dành cho người Palestine từ khắp thế giới, Hamas còn dựa vào viện trợ từ một số quốc gia và hệ thống thuế ngay tại Dải Gaza.

Tài trợ từ bên ngoài

Theo báo cáo chính phủ Mỹ năm 2020, Iran cung cấp số tiền tới 100 triệu USD/năm cho các lực lượng người Palestine, chủ yếu là Hamas. Một số nhóm nhỏ hơn cũng nhận được trợ cấp là Thánh chiến Hồi giáo Palestine và Bộ Chỉ huy Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP-GC).

Ba lực lượng này đều bị Mỹ và các nước phương Tây đồng minh coi là tổ chức khủng bố.

Năm 2019, Channel 12 của Israel dẫn một nguồn thạo tin cho biết trong cuộc gặp ở Tehran giữa các quan chức Hamas và Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, Tehran bày tỏ sẵn sàng tăng khoản hỗ trợ tài chính hàng tháng cho Hamas lên mức 30 triệu USD/tháng.

Năm ngoái, khi trả lời phỏng vấn, Chánh Văn phòng Chính trị Hamas Ismail Haniyeh thừa nhận rằng Iran đã chi khoảng 70 triệu USD cho lực lượng này dành riêng cho mục đích chống Israel, bao gồm việc phát triển kho tên lửa và cơ sở hạ tầng phòng thủ tại Dải Gaza.

Hamas kiếm tiền từ đâu? - 2

Vùng được quân đội Israel kêu gọi sơ tán tại Dải Gaza (màu đỏ) vào ngày 13/10 (Đồ họa: New York Times).

Các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng là nơi đặt chân của các thủ lĩnh Hamas. Tuy nhiên, cả hai đều phủ nhận tài trợ cho các hoạt động quân sự của lực lượng này.

Theo AFP, Qatar bắt đầu hỗ trợ tài chính cho Hamas 30 triệu USD/tháng kể từ năm 2018, với sự đồng ý của Israel. Khoản tiền này được dùng để mua nhiên liệu chạy máy phát điện, trả lương viên chức và cấp phát cho gia đình khó khăn. Nhưng do Hamas không minh bạch, rất khó theo dõi khoản tiền này đi về đâu.

Hamas cũng nhận được lượng tiền đáng kể từ các tổ chức từ thiện Hồi giáo, chủ yếu ở các nước Vùng Vịnh. Dù vậy, mục đích sử dụng cuối cùng của những khoản tiền này cũng không rõ ràng.

Doanh thu thuế

Hamas còn có nguồn thu từ việc đánh thuế hàng hóa di chuyển qua mạng lưới đường hầm ngầm qua mặt cửa khẩu của Ai Cập vào Gaza, theo báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) - một viện chính sách Mỹ.

Mạng lưới này đã đưa các mặt hàng cơ bản như thực phẩm, thuốc men và khí đốt giá rẻ vào Dải Gaza, cũng như vật liệu xây dựng, tiền mặt và vũ khí.

Báo cáo của CFR cho biết sau năm 2013, Ai Cập bắt đầu đóng cửa hầu hết đường hầm buôn lậu. Tới năm 2018, Cairo bắt đầu cho phép một số hàng hóa thương mại vào Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Salah al-Din.

Hamas kiếm tiền từ đâu? - 3

Tên lửa gắn trên xe tải trong cuộc diễu hành của Hamas ở thành phố Khan Younis, phía nam Dải Gaza, ngày 15/12/2018 (Ảnh: alqassam.net).

Theo báo cáo của CFR, tính đến năm 2021, Hamas được cho là đã thu tới 12 triệu USD/tháng từ thuế đối với hàng hóa Ai Cập nhập khẩu vào Gaza. Báo cáo cùng năm 2021 của trang Al-Monitor trích dẫn một nguồn tin cho biết các mặt hàng chịu thuế cao nhất là nhiên liệu, thuốc lá, mật đường, vật liệu xây dựng…

Khoảng 4 triệu bao thuốc lá được đưa vào Gaza từ Ai Cập hàng tháng. Với thuốc lá, Hamas áp thuế ước tính khoảng 5 shekel (1,54 USD)/bao, tức là mỗi tháng Hamas thu 20 triệu shekel (6,2 triệu USD) từ thuốc lá, báo cáo của Al-Monitor cho biết.

Tương tự, khoảng 9 triệu lít nhiên liệu được đưa vào Dải Gaza mỗi tháng và Hamas áp mức thuế 1,5 shekel (0,46 USD) cho mỗi lít. Như vậy, 13,5 triệu shekel (4,16 triệu USD) mỗi tháng được chuyển vào kho bạc của Hamas từ doanh thu nhờ nhiên liệu.

Theo Economic Times, AFP, Doha News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm