1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hama vỡ trận, lực lượng Nga tại Mhardeh bó tay

Phiến quân pháo kích ác liệt vào thị trấn Kito giáo bất chấp quân cảnh Nga vừa được điều động tới Mhardeh cách đây vài hôm.

Ngày 6/4, nhóm thánh chiến Jaysh Al-'Izza và các nhóm phiến quân thuộc Quân đội Syria tự do (FSA) do Mỹ hậu thuẫn đã thực hiện pháo kích tàn bạo vào thị trấn Kito giáo Mhardeh trên vùng nông thôn phía bắc của Hama.

Lực lượng Hồi giáo cực đoan tiến hành pháo kích bừa bãi bằng tên lửa và pháo hạng nặng từ các trận địa trong thị trấn Halfaya, bắn phá các khu dân cư bên trong Mhardeh, gây nhiều thương vong cho dân thường trong cuộc bắn phá này.

Phiến quân tại Hama
Phiến quân tại Hama

Jaysh Al-'Izza được phương Tây định danh là nhóm ''đối lập ôn hòa'', được Mỹ huấn luyện và cung cấp nhiều vũ khí trang bị hạng nặng, trong đó có tên lửa chống tăng TOW. Nhưng Jaysh Al-'Izza công khai tuyên bố ủng hộ Hay’at Tahrir Al-Sham (Al-Qaeda Syria) và trực tiếp tham gia chiến đấu chống lại nhà nước Syria.

Mhardeh là thị trấn Kito giáo, từ lâu đã là mục tiêu của lực lượng Hồi giáo cực đoan theo chủ nghĩa khủng bố do tính phân biệt tôn giáo dân tộc.

Tại Syria, các lực lượng này, dẫn đầu là các nhóm có tư tưởng Al-Qaeda đã tiến hành nhiều cuộc thảm sát chống lại những người dân thuộc giáo phái khác.

Các nhóm thánh chiến không nương tay bắn phá các khu dân cư và nhà máy điện của thị trấn và không hề có chút thương tiếc khi thảm sát người dân khác tôn giáo trong thị trấn này.

Tình huống đã trở lên rất căng thẳng sau hai ngày liên tiếp thất bại của quân đội Syria và các đơn vị vũ trang Syria, đặc biệt là lực lượng vũ trang địa phương NDF trên chiến trường Hama.

Họ thường xuyên rời bỏ trận địa trước các cuộc tấn công của lực lượng thánh chiến, bất chấp số lượng chiến binh thấp hơn nhiều so với phía các đơn vị vũ trang Syria.

Điều đó khiến cho các cuộc không kích của Nga cũng trở nên bất lực khi các nhóm chiến binh cơ động với tốc độ cao tiến vào khu đô thị, do không gặp sức kháng cự đáng kể và địa hình khu dân cư khiến hỏa lực đường không trở nên vô ích.

Mục tiêu thất bại

Trước đó, ngày 3/4 quân đội Syria giành được thị trấn Al-Iskenderiyah và cầu Maardes, buộc các tay súng khủng bố rút lui về phía thị trấn Souran và Taybat Al-Imam.

Cùng với trận đánh giải phóng thị trấn Maardes, quân đội Syria đã tiến công vào khu hầm mỏ Maardes, đồi Zidan và giành được quyền kiểm soát các địa bàn này sau cuộc giao tranh khốc liệt với lực lượng Hồi giáo cực đoan thánh chiến.

Mục tiêu mà quân đội Syria hướng tới là bảo vệ thị trấn Kito giáo Mhardeh trước mối đe dọa của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Nếu để thị trấn này bị phiến quân tấn chiếm, thì những nguy cơ về tư tưởng tinh thần sẽ vô cùng lớn, thương vong về dân sự cũng không thể dự đoán được.

Bản đồ chiến sự tại Hama
Bản đồ chiến sự tại Hama

Tuy nhiên, đến ngày 5/4, tình huống chiến trường tỉnh Hama bất ngờ đảo chiều. Liên minh khủng bố Hay'at Tahrir Al-Sham (HTS) và các nhóm thánh chiến khác đã tái chiếm lại các địa bàn then chốt mà lực lượng Tiger giành được trước đó.

Lực lượng Hay'at Tahrir Al-Sham không chỉ đánh chiếm giành lại được làng Maardes, mà còn tấn công đánh chiếm luôn làng Iskandariyah lân cận sau khi tiến hành một vụ đánh bom tự sát nhằm vào trận địa của một đơn vị quân đội Syria thuộc sư đoàn tăng số 11.

Trên hướng tấn công chính, Hay'at Tahrir Al-Sham, liên kết với nhóm Jaish al-Nasr (thuộc tổ chức Quân đội Syria tự do) cũng giành lại các địa bàn vừa được quân đội Syria giải phóng phía nam thị trấn Halfaya, bao gồm làng Battish, trạm kiểm soát Al-Tarabee và Tall Battish.

Như vậy mọi nỗ lực của quân đội Syria tại Hama trong những ngày qua đã đổ xuống sông xuống bể khi để phiến quân có cơ hội pháo kích tàn bạo vào thị trấn Kito giáo Mhardeh. Ngay cả khi quân cảnh Nga vừa được điều động tới Mhardeh cách đây vài hôm cũng khó có thể thay đổi được tình thế vào thời điểm này.

Theo An Nam

Đất Việt