1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hạm đội tàu ngầm của các "ông lớn" đốt nóng cuộc đua dưới lòng đại dương

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc Australia sắp sở hữu tàu ngầm hạt nhân do Mỹ và Anh cung cấp sẽ châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh hải quân với Trung Quốc và các nước khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hạm đội tàu ngầm của các ông lớn đốt nóng cuộc đua dưới lòng đại dương - 1

Tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân USS Connecticut (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Việc Mỹ và Anh hồi tháng 9 thông báo thiết lập thỏa thuận AUKUS lịch sử và lên kế hoạch trang bị cho Australia các tàu ngầm tấn công tầm xa chạy bằng năng lượng hạt nhân đã khiến Trung Quốc giận dữ. AUKUS được cho là nhắm mục tiêu tới Bắc Kinh, trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á đang đẩy nhanh chiến dịch xây dựng hạm đội tàu ngầm và lực lượng chống ngầm để đối phó với liên minh của Mỹ.

Ngày 30/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết việc thành lập liên minh AUKUS "không chỉ có tác động sâu rộng đến mạng lưới không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế mà còn mang lại những mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và ổn định khu vực".

Hu Bo, Giám đốc Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông, cho biết: "Đây sẽ là một mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông. "Mặc dù các tàu ngầm của Australia chưa được chuyển giao trong tương lai gần, nhưng nó sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang", Hu Bo nhận định.

Hạm đội tàu ngầm của các "ông lớn"

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc vào năm 2020, hải quân Trung Quốc có 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) Type 094A, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) Type 093 và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel. Ngoài ra, các tàu SSN Type 095 và SSBN Type 096 cũng đang được phát triển. Tháng 4 năm nay, Trung Quốc có thêm một chiếc Type 094A nữa được đưa vào hoạt động.

Trong khi đó, Australia cũng đang vận hành 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện lớp Collins và đang lên kế hoạch mua "ít nhất 8 chiếc SSN". Mặc dù các tàu ngầm mới sẽ không hoạt động cho đến sau năm 2030, hoặc thậm chí sau năm 2040, song các quan chức cấp cao của Australia cho biết họ có thể thuê một số tàu ngầm tấn công từ Mỹ hoặc Anh để sử dụng hoặc huấn luyện tạm thời.

Hải quân Mỹ có lực lượng tàu ngầm mạnh nhất thế giới, với 14 chiếc SSBN lớp Ohio và 3 lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, gồm Virginia, Seawolf và Los Angeles, với tổng cộng 52 tàu. Tất cả tàu ngầm của Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân và Hải quân Mỹ thường duy trì hạm đội khoảng 24 chiếc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, nếu Hải quân Mỹ đạt được mục tiêu triển khai 60% tàu chiến trong khu vực, họ sẽ tăng cường hạm đội triển khai lên hơn 31 tàu.

Mặc dù nằm xa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về mặt địa lý, nhưng Anh cũng duy trì lực lượng quân sự thường trú tại khu vực, với 4 tàu SSBN lớp Vanguard, 4 chiếc SSN lớp Astute và 4 chiếc SSN lớp Trafalgar, cùng với 3 tàu lớp Astute và một tàu SSBN lớp Dreadnought mới đang được chế tạo. Các tàu lớp Astute và lớp Virginia nằm trong số những "ứng viên" mà Australia có thể chọn mua.

"Trong 18 tháng tới, Australia sẽ làm việc với Anh và Mỹ để xem xét toàn bộ yêu cầu làm nền tảng cho việc quản lý tàu ngầm hạt nhân", Lực lượng Đặc nhiệm Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới thành lập của Australia cho biết.

Các nước "chạy đua" đóng tàu ngầm

Trung Quốc không phải là mục tiêu tiềm tàng duy nhất đối với AUKUS. Ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến tàu ngầm. Ấn Độ, Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu hoặc có kế hoạch phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Những quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng đang mở rộng sức mạnh tàu ngầm, dù không quá quan tâm đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Khi căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh, Đài Loan cũng mong muốn thay thế các tàu ngầm cũ bằng tàu ngầm mới.

"Mỹ sẽ hạn chế Đài Loan. Nhưng Mỹ có thể nới lỏng cho Nhật Bản và Ấn Độ, thậm chí chuyển giao một số công nghệ SSN của họ cho Ấn Độ", Song Zhongping, nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, nhận định. Ông Song cũng chỉ ra rằng cả Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều là thành viên của Bộ Tứ - một liên minh khác do Mỹ dẫn đầu trong khu vực.

Ấn Độ đã đưa vào biên chế một tàu SSBN lớp Arihant, và 3 chiếc nữa được bổ sung. Ấn Độ cũng vừa trả lại một chiếc SSN lớp Akula do Nga sản xuất và sẽ thuê một chiếc khác từ năm 2025. Trong khi đó, Nhật Bản, quốc gia từ lâu đã tập trung vào sức mạnh dưới biển, đã có 20 tàu ngầm tấn công diesel-điện đang hoạt động và đang đóng thêm một chiếc nữa.

"Nhật Bản và Ấn Độ đều có khả năng tự đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Và Nhật Bản chỉ cần Mỹ bật đèn xanh, cũng như Hàn Quốc", chuyên gia Song nói.

Vào tháng 1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng đã hoàn thành thiết kế một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng phóng "vũ khí chiến lược hạt nhân", và quá trình phát triển đang trong "giai đoạn thử nghiệm cuối cùng".

Đáp lại, Hàn Quốc được cho là đã đàm phán với Washington để đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hàn Quốc đã tiến hành vụ thử nghiệm thành công dưới nước đầu tiên của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào đầu tháng này.

Nguy cơ xảy ra va chạm

Nhiều người cho rằng vũ khí tốt nhất để chống lại tàu ngầm là tàu ngầm. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết chúng rất tốn kém để mua bán, vận hành và bảo trì.

Không phải quốc gia nào trong khu vực cũng đủ khả năng hoặc sẵn sàng đóng tàu ngầm. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng đồng nghĩa với việc những nước không đủ khả năng thành lập một hạm đội tàu ngầm mới hoặc mở rộng các hạm đội hiện có sẽ phải tìm kiếm các giải pháp tác chiến chống ngầm (ASW) khác khi bị cuốn vào cuộc đua của các "ông lớn".

"Giải pháp "rẻ hơn" là đầu tư vào các năng lực đối kháng khác, trong trường hợp này là các khí tài có khả năng tác chiến chống ngầm như tàu nổi, trực thăng và máy bay", Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết.

Sau khi được triển khai, các tàu ngầm có khả năng tập trung đông đúc ở Biển Đông - tuyến hàng hải chiến lược, sầm uất và đủ sâu cho tàu ngầm hoạt động.

"Các vùng biển trong khu vực càng tắc nghẽn, nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ hải quân cự ly gần liên quan đến tàu ngầm và lực lượng trên mặt nước - cũng như các tai nạn như va chạm với các tàu khác, bao gồm cả tàu dân sự - tăng lên tương ứng", chuyên gia Koh cho biết.

Về cơ bản, các tàu ngầm phần lớn "vô hình" khi chúng đang di chuyển và không nổi lên trừ khi cần thiết, điều này khiến cuộc cạnh tranh dưới nước trở nên nguy hiểm hơn. Trong khi đó, các cơ chế để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các sự cố dưới nước trong khu vực vẫn chưa được phát triển.

Tuần trước, hải quân Mỹ xác nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf USS Connecticut (SSN-22) của lực lượng này đã "đâm phải một vật thể không xác định dưới nước" ở Biển Đông, khiến phần mũi tàu bị hư hại và 11 thủy thủ bị thương. Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về vụ việc, đồng thời đề nghị Mỹ cung cấp thêm chi tiết về vụ va chạm bao gồm địa điểm xảy ra, vật thể va chạm và bản chất chuyến đi của tàu USS Connecticut.