1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ đại sứ Mỹ thiệt mạng ở Libya:

Hai trạng thái giận dữ của phương Tây và thế giới Hồi giáo

(Dân trí) - Sự giận dữ của phương Tây trước cái chết của đại sứ Mỹ ở Libya tỉ lệ thuận với sự giận dữ của người Hồi giáo đối với bộ phim do một người Mỹ không chuyên sản xuất, chế nhạo đấng tiên tri Mohammad.

 
Đại sứ Mỹ tại Libya Stevens.
Đại sứ Mỹ tại Libya Stevens.

Tổng thống Mỹ Mỹ Obama hôm nay đã kịch liệt lên án cuộc tấn công “vô nhân đạo” và “điên rồ” nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, khiến đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens và 3 nhân viên sứ quán Mỹ khác thiệt mạng. Song lên án của phương Tây đối với vụ việc “đụng độ” với sự giận dữ đang ngày một dâng cao ở thế giới Hồi giáo trước đoạn clip về bộ phim giá rẻ nhạo báo đấng tiên tri Mohammad và đụng chạm đến vấn đề tình dục trẻ em và tình dục đồng tính.

 

Obama cho biết nước Mỹ “phản đối những nỗ lực nhằm phỉ báng niềm tin tôn giáo của những người khác” song cũng bày tỏ xót xa trước việc 4 người Mỹ bị giết hại là “hành động kinh khủng” và cam kết sẽ đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý.

 

“Ngay bây giờ, người Mỹ nghĩ tới và cầu nguyện cho những gia đình bị mất người thân”, ông Obama cho hay. “Họ là ví dụ cho cam kết tự do, công lý và đối tác của Mỹ đối với các nước khác và với người dân khắp toàn cầu, trái ngược hẳn với những kẻ nhẫn tâm cướp đi mạng sống của họ”.

 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng lên án vụ giết hại “gây sốc cho lương tâm của mọi niềm tin”.

 

Tại Ai Cập, nơi một cuộc biểu tình phản đối bộ phim cũng biến thành bạo lực vào ngày thứ ba khi hàng ngàn người biểu tình xé cờ tại sứ quán Mỹ, chính phủ của Tổng thống Morsi cũng lên án bộ phim là “sự xúc phạm đến đấng tiên tri Mohammad và đạo lý”.

 

Chính phủ kêu gọi người dân Ai Cập kiềm chế, nhưng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo quyền lực của đất nước, nơi ông Morsi xuất thân, đã kêu gọi những cuộc biểu tình mới khắp đất nước.

 

Các nhà hoạt động ở Ai Cập cho biết họ dự kiến tiến hành một cuộc biểu tình riêng đối với bộ phim vào cuối ngày thứ tư bên ngoài các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Ai Cập và Libya nhằm lên án “tất cả sự kinh rẻ đối với bất kỳ tôn giáo nào”.

 

Báo chí Ai Cập cho biết một số người Ai Cập trong nhóm Thiên chúa giáo cổ Ả rập ở Mỹ liên quan đến sản xuất bộ phim, trong khi tờ Wall Street Journal cho biết người Mỹ gốc Israel Sam Bacile là đạo diễn và nhà sản xuất bộ phim.

 

Ngoài ra, hàng trăm người biểu tình ở Sudan cũng biểu dương lực lượng ở bên ngoài sứ quán Mỹ.

 

Trong khi đó chính phủ Afghanistan đã chặn YouTube trong gần 90 phút nhằm ngăn chặn người dân xem bộ phim và hành động xem phim bị quy là “hành động phi nhân đạo và xúc phạm”.

 

Còn Iran đổ lỗi cho Mỹ cho bộ phim “ghê tởm”. “Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm ngăn trào lưu nguy hiểm này, không cho những xúc phạm đối với các đấng tối cao nhất của quốc gia Hồi giáo lan rộng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho hay.

 

Tại Libya, nơi Mỹ đã đóng vai trò then chốt để áp dụng vùng cấm bay của NATO, lật đổ chế độ của lãnh đạo Gadhafi vào năm ngoái, chính phủ đã lên tiếng xin lỗi. “Chúng tôi gửi lời xin lỗi tới nước Mỹ, người dân Mỹ và toàn thể thế giới vì những gì đã xảy ra”, Mohamed al-Megaryef, chủ tịch quốc hội, cơ quan quyền lực chính trị cao nhất Libya, cho biết.

 

Song vụ giết hại lại làm dấy lên lo ngại chính phủ mới của Libya chưa thâu tóm hết các lực lượng ở nước này.

 

Người đứng đầu NATO Anders Fogh Rasmussen kêu gọi chính phủ Libya đảm bảo cho “một tương lai hòa bình, an toàn và dân chủ”.

 

Quan chức chính trị hàng đầu của Liên hợp quốc Jeffrey Feltman cho biết Liên hợp quốc “lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất” vụ tấn công và cho biết thêm vụ sát hại “nhấn mạnh thêm” thách thức về an ninh của Libya.

 

Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski thì cho rằng al-Qaedda đã kích động những người biểu tình.

 

Khắp phần còn lại của châu Âu cũng lên án vụ giết hại các nhà ngoại giao Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao EU Catherine Ashton gọi vụ tấn công là “hèn hạ”, còn người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết đây là “thảm kịch khó có thể chịu đựng”. Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi giới chức Libya “đảm bảo điều tra kỹ vụ việc và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra công lý”.

 

Canada cũng ra kêu gọi tương tự giống Anh, trong khi Vatican lên án cả “những khiêu khích” chống Hồi giáo của bộ phim cũng như “bạo lực không thể chấp nhận được” kéo theo sau đó.

 

Còn Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, đã bày tỏ chia buồn, với Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết: “Người Israel ở bên người Mỹ trong nỗi đau của họ”.

 

Ngoài ra, Ngoại trưởng Israel cũng khẳng định Israel không liên quan gì đến bộ phim chế nhạo đấng tiên tri Mohammad mà người Mỹ gốc Israel sản xuất.

 

Vũ Quý

Theo AFP