1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Hai tàu chiến "khủng" trị giá 3 tỷ USD của Australia gặp sự cố liên tiếp

(Dân trí) - Hai tàu chiến lớn nhất từng được đóng cho Hải quân hoàng gia Australia, trị giá 1,5 tỷ USD mỗi chiếc, đã gặp trục trặc về hệ thống đẩy và giới chức Australia đang nghi ngờ trục trặc này có thể là do lỗi thiết kế.


Do sự cố, tàu HMAS Adelaide sẽ không thể tham gia tập trận với Mỹ vào tháng 6 tới (Ảnh: ABC News)

Do sự cố, tàu HMAS Adelaide sẽ không thể tham gia tập trận với Mỹ vào tháng 6 tới (Ảnh: ABC News)

Báo chí Australia đưa tin, các kỹ sư hải quân nước này đang cố gắng xác định xem điều gì gây ra các trục trặc trên HMAS Adelaide và HMAS Canberra, hai tàu chiến lớn nhất từng được đóng cho Hải quân Australia.

Cả hai tàu đổ bộ trực thăng trên đều do công ty Navantia của Tây Ban Nha chế tạo, sử dụng hệ thống đẩy của hãng Siemens (Đức) và được trang bị các hệ thống liên lạc và chiến đấu của hãng BAE Systems (Anh).

Dầu đã bị phát hiện rò rỉ vào các phần của hệ thống đẩy trên cả 2 tàu, các quan chức hải quân Australia cho biết hôm 19/5.

“Tôi có thất vọng không? Có. Chúng tôi không nghĩ sẽ gặp tình huống này”, Phó đô đốc Tim Barrett, Tư lệnh hải quân Australia, nói.

Chuẩn Đô đốc Adam Grunsell, người đứng đầu các hệ thống hàng hải trong đơn vị chịu trách nhiệm mua sắm và duy trì thiết bị của Bộ Quốc phòng Australia, cho hay trục trặc trên có thể là lỗi thiết kế, nhưng nhấn mạnh rằng vụ việc đang được điều tra và còn quá sớm để đưa ra kết luận.


Tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra (Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia)

Tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra (Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia)

Do trục trặc, tàu HMAS Adelaide, hiện đang neo đậu tại cảng Sydney, sẽ không thể tham gia cuộc tập trận quân chung Talisman Sabre diễn ra 2 năm một lần với Mỹ vào tháng 6. Hiện chưa rõ HMAS Canberra có thể tham gia trong cuộc tập trận hay không.

“Ba công ty đang xem xét rất chặt chẽ và phối hợp chặt chẽ với nhau về sự cố vì họ muốn biết điều gì đã gây ra trục trặc đó. Đó có thể là một lỗi thiết kế”, Chuẩn đô đốc Grunsell nói.

Một phát ngôn viên của BAE Systems tại Australia cho hay công ty đang phối hợp với hải quân để phục hồi các khả năng của tàu. Trong khi đó, phía Navantia và Siemens chưa bình luận về vụ việc.

HMAS Canberra và HMAS Adelaide được biên chế trong hải quân Australia vào cuối năm 2014 và 2015 và được ca ngợi là thế hệ mới của tàu hải quân Australia khi nó rẽ sóng. Mỗi tàu có giá 1,5 tỷ USD.

An Bình

Theo ABC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm