1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hải tặc bắt giữ kỷ lục gần 1.200 thuỷ thủ năm 2010

(Dân trí) - Hải tặc đã bắt giữ kỷ lục 1.181 thủy thủ trong năm 2010 khi các vụ cướp tàu ở vùng biển ngoài khơi Somalia tăng mạnh, một tổ chức giám sát hàng hải toàn cầu hôm nay cho biết.

 
Hải tặc bắt giữ kỷ lục gần 1.200 thuỷ thủ năm 2010 - 1
Một hải tặc có vũ trang đang ngồi trên bờ biển phía đông bắc Somalia.

Những tên cướp biển đã bắt giữ 53 con tàu trên khắp thế giới hồi năm ngoái, 49 tàu trong số đó bị cướp ở ngoài khơi bờ biển Somalia, theo trung tâm báo cáo cướp biển thuộc Cục hàng hải quốc tế (IMB) tại Kuala Lumpur, Malasyia.

Ông Pottengal Mukundan, giám đốc IMB, cho hay số con tin và tàu bị bắt giữ đã leo lên mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi trung tâm bắt đầu giám sát các vụ tấn công năm 1991.

“Sự gia tăng liên tục trong những con số này là đáng báo động”, ông Mukundan nói trong một tuyên bố.

Trung tâm cho biết, cướp biển Somalia đã bắt giữ 1.016 con tin để đòi tiền chuộc. Hải tặc Somalia hiện đang giữ 31 tàu với 713 thuỷ thủ với các quốc tịch khác nhau sau khi tấn công 4 tàu khác kể từ đầu năm 2011.

Vị trí của Somalia trên vùng Sừng châu Phi cho phép cướp biển có thể sử dụng bờ biển dài của nước này để cướp tàu. Somalia đã không có một chính phủ hoạt động hiệu quả kể từ khi chế độ độc tài sụp đổ năm 1991, và một đội tàu chiến quốc tế đang tuần tra các vùng biển ngoài khơi nước này để ngăn chặn các vụ tấn công của hải tặc.

Các tàu quốc tế đã ngăn chặn nhiều vụ tấn công, nhưng tải tặc đang di chuyển ra xa bờ để thành công hơn trong các vụ tấn công, trung tâm báo cáo cướp biển cho biết.

“Tất cả các biện pháp trên biển nhằm hạn chế hoạt động của hải tặc đang bị suy yếu vì thiếu giới chức có trách nhiệm tại Somalia”, trung tâm cho biết.

Tổng cộng, 445 vụ tấn công của hải tặc đã xảy ra trên khắp thế giới trong năm ngoái, tăng 10% so với năm 2009. 8 thuỷ thủ đã thiệt mạng - tất cả được cho là do hải tặc Somalia.

Các vụ tấn công bạo lực và cướp bóc có vũ trang cũng đáng chú ý trong vùng biển Indonesia, nơi 30 tàu đã bị tấn công. Bangladesh có 21 tàu bị tấn công, chủ yếu tại cảng Chittagong, trong khi Nigeria có 13 tàu vị tấn công, chủ yếu gần cảng Lagos.

An Bình
Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm