Hải quân Nga sắp đưa "pháo đài nổi" từ thời Liên Xô trở lại trực chiến
(Dân trí) - Hải quân Nga đã lên kế hoạch đưa trở lại biên chế tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Reuters dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Tass của Nga hôm 13/6 đưa tin Hải quân Nga sẽ đưa trở lại biên chế tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân Đô đốc Nakhimov vào cuối năm 2024. Trước khi được đưa vào trực chiến, chiến hạm này sẽ trải qua một đợt kiểm tra toàn diện vào tháng 9 tới.
Theo truyền thông Nga, tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov đã trải qua một quá trình đại tu và nâng cấp toàn diện, cho phép tàu mang phóng tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon và Avangard, 2 vũ khí tối tân của quân đội Nga.
Moscow kỳ vọng việc đưa tàu trở lại trực chiến sẽ tăng cường đáng kể năng lực tác chiến của Hạm đội Phương Bắc thuộc Hải quân nước này.
Đô đốc Nakhimov là tuần dương hạm thứ 3 thuộc lớp Kirov của Hải quân Liên Xô, được đưa vào phục vụ từ tháng 12-1988. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến hạm này được chuyển giao cho Hải quân Nga.
Tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov có chiều dài 252m, lượng giãn nước tối đa khoảng 28.000 tấn cùng tốc độ di chuyển lên tới 59km/h.
Nhờ trang bị động cơ năng lượng hạt nhân, Đô đốc Nakhimov có thể hoạt động trên biển trong nhiều tháng liên tục và chỉ cần phải dừng lại để tiếp tế thêm nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn.
Về vũ khí, tàu được trang bị các ống phóng thẳng đứng sử dụng cho tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa chống hạm Oniks, tên lửa chống ngầm 91RTE2 và sắp tới là các siêu tên lửa Zicron cùng Avangard.
Ngoài ra, tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov cũng được lắp đặt các hệ thống phòng không hiện đại để tự vệ trước máy bay chiến đấu và tên lửa của đối phương. Lượng vũ khí khổng lồ này giúp Đô đốc Nakhimov được mệnh danh như là một "siêu pháo đài nổi" trong biên chế Hải quân Nga.
Về Zicron, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả tên lửa này như là một phần của hệ thống vũ khí tiên tiến thế hệ mới của quân đội Nga và có thể được sử dụng trong cả mục đích tấn công cũng như phòng thủ.
Với tốc độ bay có thể đạt đến mức nhanh gấp 11 lần tốc độ âm thanh (khoảng 13.500 km/h), tên lửa này được xem là "không thể cản phá", ngay cả với những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới.
Các chuyên gia phân tích nhận định hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ cần từ 8 đến 10 giây để phản ứng trước khi tấn công tiêu diệt các tên lửa đang tiến đến.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, tên lửa Zircon đã di chuyển được ít nhất 20km và vì vậy nhiều khả năng các tên lửa đánh chặn của hệ thống Aegis sẽ không thể bắt kịp.
Ngoài ra, với tầm bắn khoảng 1.500km cùng khả năng mang đầu đạn nặng tới 400kg, tên lửa Zicron đủ uy lực để thách thức bất cứ tàu chiến nào của đối phương, kể cả tàu sân bay.
Để tăng thêm độ linh hoạt của siêu vũ khí này, các kỹ sư Nga đã thiết kế nhiều phiên bản khác nhau có thể được phóng từ tàu ngầm, tàu chiến mặt nước và các bệ phóng đặt trên mặt đất.