1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hải quân Mỹ vạch chiến lược mới, duy trì quyền thống trị

Hải quân Mỹ vừa vạch ra Chiến lược mới, kết nối 6 không gian chiến trường, nhằm duy trì quyền thống trị trên biển, tiếp tục coi trọng khu vực châu Á-TBD.

Ngày 13 tháng 3, các lực lượng Hải quân, Hải quân đánh bộ và lực lượng tác chiến ven bờ Hoa Kỳ đã công bố bản "Chiến lược hợp tác lực lượng trên biển thế kỉ 21" mới, viết tắt là CS-21. Đây là lần chỉnh lý đầu tiên của bản chiến lược sau gần 8 năm.

Chiến lược mới được xây dựng dựa trên những phán đoán của quân đội Hoa Kỳ về môi trường an ninh và kinh tế toàn cầu, với chỉ đạo chiến lược lấy từ "Chỉ nam chiến lược Quốc phòng 2012”, “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm” (từ 2010- 2014) và “Báo cáo đánh giá an ninh nội địa 4 năm”.

CS-21 đã trình bày một cách toàn diện những cách thức phương pháp mà quân đội Mỹ sẽ thiết kế, tổ chức và vận dụng lực lượng trên biển để hỗ trợ cho chiến lược quốc gia, chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh nội địa, nêu lên những trọng điểm cần ưu tiên trong xây dựng lực lượng trên biển, nhằm duy trì và bảo vệ bá quyền trên biển của Hoa Kỳ.

So với bản Chiến lược trên biển năm 2007, CS-21 có những thay đổi và đặc điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất là về phán đoán mối đe dọa, nổi bật là mối đe dọa an ninh truyền thống từ các tổ chức phi chính phủ, nâng cao chú ý đề phòng những nước lớn mới nổi.

Phần lớn quan chức quân đội và nhà phân tích chiến lược Mỹ đã phê bình bản “Chiến lược 2007” đã quan tâm thái quá đến những mối đe dọa an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, hải tặc, buôn lậu phi pháp trên biển, thiên tai..., mà xem nhẹ mối đe dọa an ninh truyền thống.
 
Hải quân Mỹ vừa vạch ra Chiến lược mới để duy trì quyền thống trị trên biển

Hải quân Mỹ vừa vạch ra Chiến lược mới để duy trì quyền thống trị trên biển

Tuy có điều chỉnh nhưng bản Chiến lược mới vẫn tiếp tục liệt kê ra những thách thức an ninh phi truyền thống như tổ chức bạo lực cực đoan và các tổ chức khủng bố khác, đồng thời liệt các nước Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên vào mối đe dọa hoặc thách thức chủ yếu.

Thứ hai là về trọng điểm chiến lược và địa lý chiến lược, CS-21 lần đầu tiên đưa ra khái niệm mới và tập trung cao độ vào “Liên khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á-Thái Bình Dương”.

Chiến lược mới cho rằng, đây là khu vực kéo dài qua bờ biển phía Đông Châu Phi và bờ Tây Hoa Kỳ, 8 trong số 10 quốc gia đông dân nhất thế giới đều nằm ở đây, tầm quan trọng của nó đối với Washington và các nước đồng minh, đối tác của nước Mỹ ngày càng lớn.

Kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ có liên quan mật thiết với các trung tâm thương mại lớn thông qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, vì vậy lực lượng trên biển của Mỹ có trách nhiệm lâu dài với an ninh của khu vực này. Mục tiêu của Washington là đến năm 2020, ước tính sẽ có khoảng 60% tàu chiến của hải quân Mỹ sẽ được triển khai tại đây.

Để thực hiện điều này, Hải quân Hoa Kỳ sẽ tăng thêm 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công ở đảo Guam, tăng số tàu chiến đóng gần vùng biển Singapore lên 4 chiếc, bố trí tàu khu trục Aegis đa chức năng tiên tiến và tàu khu trục lớp Zumwalt, cùng với chiến đấu cơ F-35, máy bay vận tải MV-22 Osprey và máy bay không người lái MQ-4C.
 
Hải quân Mỹ vừa vạch ra Chiến lược mới để duy trì quyền thống trị trên biển

Các siêu khu trục hạm như DDG-1000 Zumwalt sẽ đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược mới của hải quân Hoa Kỳ

Thứ ba là về nâng cao năng lực, khái niệm “Thâm nhập toàn khu vực” lần đầu tiên được đưa ra đã được liệt vào trong 5 hạng mục năng lực tác chiến cơ bản hàng đầu cần phải trang bị của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ.

Chiến lược mới chỉ rõ rằng, ngoài 4 năng lực cần có mang tính truyền thống là răn đe bằng vũ lực, kiểm soát trên biển, triển khai sức mạnh và giữ gìn an ninh trên biển, hiện nay lực lượng Hải quân Hoa Kỳ cần phải có thêm năng lực thứ 5 là "Thâm nhập toàn khu vực".

5 năng lực toàn diện trên sẽ đảm bảo cho quân đội Mỹ có thể tự do hành động trong 6 không gian tác chiến trên biển, đất liền, trên không, vũ trụ, không gian mạng và phổ điện từ, đánh bại những đối thủ tiềm tàng đang thực hiện "chống xâm nhập/khu vực cấm" (A2/AD), nhằm ngăn chặn quân đội Hoa Kỳ tiến vào bờ biển hoặc nội địa của mình.

"Thâm nhập toàn khu vực" của quân đội Hoa Kỳ sẽ thông qua "cảm nhận không gian chiến trường", đảm bảo chỉ huy-kiểm soát được các hoạt động tác chiến như: "Tác chiến không gian mạng", "Tác chiến cơ động điện từ", "Hỏa lực tác chiến tổng thể" v.v..

Thứ tư là về phương thức tác chiến và không gian tác chiến, chú trọng nhiều hơn vào tác chiến trên không gian vũ trụ, không gian mạng và phổ điện từ.
 
Không gian mạng cũng sẽ là một chiến trường khốc liệt trong tương lai

Không gian mạng cũng sẽ là một chiến trường khốc liệt trong tương lai

Chiến lược mới chỉ ra rằng, đối thủ tiềm ẩn của Washington sẽ vận dụng hệ thống chỉ huy-kiểm soát tiên tiến được hỗ trợ tích hợp mạng internet, trang bị năng lực tác chiến điện tử, mạng và không gian, nâng cao tốc độ và khả năng chỉ huy-kiểm soát, hiệp đồng quân binh chủng.

Vì vậy, sẽ không dễ dàng cho Nhà Trắng nếu muốn tiếp tục đứng vững ở vị trí đỉnh cao trong lĩnh vực thông tin. Lực lượng trên biển Hoa Kỳ một mặt sẽ phải tìm cách đánh sập các hệ thống triển khai trên không gian mạng của đối thủ, mặt khác bắt buộc phải có tính mềm dẻo trong tác chiến dưới điều kiện thù địch nhất.

Thứ năm là về vận dụng binh lực, cần chú trọng nhất là "hiện diện tuyến đầu" và "tác chiến tuyến đầu".

Theo CS-21, binh lực "tác chiến tuyến đầu" của hải quân Hoa Kỳ sẽ duy trì tự do hàng hải trên "vùng biển chung", tạo môi trường an ninh, thể hiện quyết tâm của Washington trong nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu.

Hải quân Mỹ năm 2020 sẽ duy trì 120 tàu chấp hành nhiệm vụ "hiện diện tuyến đầu", trọng điểm là khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á-Thái Bình Dương, hiện nay đã có khoảng 97 chiến hạm "tuyến đầu" được bố trí ở Nhật Bản, đảo Guam, Singapore và Tây Ban Nha.
 
Những máy bay chiến đấu tàng hình như F-35B cũng sẽ giữ vai trò quan trọng trong tác chiến biển
Những máy bay chiến đấu tàng hình như F-35B cũng sẽ giữ vai trò quan trọng trong tác chiến biển

Đi sâu phân tích bản Chiến lược trên biển mới của Hoa Kỳ sẽ thấy rằng, mặc dù khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây đã khiến chi phí dành cho quân đội của nước này có phần dè xẻn hơn, song ý đồ duy trì quyền thống trị trên biển của Washington vẫn không hề giảm đi chút nào.

Một khi Washington không thay đổi tâm lý kiểu “Chiến tranh lạnh” thì năng lực tác chiến trên biển của hải quân nước này sẽ không thể suy yếu đi mà còn tiếp tục được nâng cao hơn nữa.

Hải quân Hoa Kỳ sẽ duy trì hơn 300 chiếc tàu chiến, trong đó có 11 tàu sân bay, 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo và 33 tàu tác chiến đổ bộ; lực lượng của cảnh sát biển sẽ duy trì 91 chiếc, khi có chiến tranh sẽ do hải quân quản lý.

CS-21 với khái niệm mới về "thâm nhập toàn khu vực" nhằm nâng cao khả năng tác chiến của quân đội Mỹ, có thể tự do thâm nhập vùng biển thậm chí là đất liền của nước khác, bảo đảm địa vị số 1 thế giới của hải quân Hoa Kỳ, đánh bại mọi đối thủ.

Các chuyên gia quân sự nhận định, trong vòng 30-50 năm nữa, vẫn không có cường quốc hải quân nảo có thể đuổi kịp chứ đừng nói là vượt qua hải quân Hoa Kỳ, dù là đối thủ truyền thống Nga hay “thiếu gia mới nổi” Trung Quốc.

Theo Bảo Chi
Đất Việt