1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hải quân Mỹ tăng cường hoả lực ở khu vực Thái Bình Dương

(Dân trí) - Quân đội Mỹ đã tăng cường thêm khả năng tấn công tàng hình ở vùng biển Thái Bình Dương khi bổ sung tàu tấn công đổ bộ vào các hoạt động của Hạm đội 7.


Tàu USS Wasp. (Ảnh: Stripes)

Tàu USS Wasp. (Ảnh: Stripes)

Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin ngày 7/1 cho biết tàu tấn công đổ bộ USS Wasp đã được điều tới hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. Đây là loại tàu chiến có lượng giãn nước lên tới 40.000 tấn và được xây dựng như một tàu sân bay cỡ nhỏ, đã được nâng cấp để mang theo những chiến đấu cơ có khả năng tàng hình F-35B.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 được xem là lợi thế của Mỹ trước bất cứ vấn đề nào liên quan đến Triều Tiên vì khả năng vượt qua tầm kiểm soát của các hệ thống radar mà Bình Nhưỡng đang sở hữu.

Trong thời gian qua, mẫu F-35 đã tham gia một số hoạt động phô diễn sức mạnh của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông Carl Schuster, cựu Giám đốc chỉ huy Trung tâm Tình báo của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, với sự xuất hiện của tàu USS Wasp, Hạm đội 7 của Mỹ giờ đây có thêm lựa chọn để sử dụng mẫu F-35.

Ông Carl Schuster nhận định: "Tàu USS Wasp đã mang thêm giải pháp cho bài toán Triều Tiên. Kể từ khi các tàu chiến Mỹ được coi là lãnh thổ quốc gia theo quy định quốc tế, việc bố trí tàu USS Wasp cho F-35 sẽ được xem là một vùng lãnh thổ di động của Mỹ. Không như các căn cứ cố định mà Mỹ đặt ở nước ngoài, Hải quân Mỹ có thể tiến hành các hoạt động của F-35 từ tàu USS Wasp mà không gây nhiều chú ý, cũng không cần sự cho phép từ quốc gia sở tại".

Trong thông báo đưa ra hồi cuối năm 2017, Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Wasp đang được điều động tới Thái Bình Dương. Trong thông báo, Chỉ huy Andrew Smith cho biết: "Động thái điều chuyển này cho thấy chúng tôi luôn bảo đảm cung cấp nền tảng hiện đại nhất cho các hoạt động của quân đội Mỹ".

Dù tàu USS Wasp chỉ lớn bằng một nửa các tàu sân bay của Mỹ, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan đang đóng tại Nhật Bản, nhưng ông Schuster cho rằng sự hiện diện của tàu đổ bộ tấn công này sẽ tăng cường khả năng "răn đe" của Mỹ như một tàu sân bay thứ 2 trong khu vực.

Tuy nhiên, các tàu đổ bộ tấn công cũng có những giới hạn so với tàu sân bay, cụ thể là việc các máy bay khi cất cánh từ những tàu như USS Wasp sẽ phải điều chỉnh lại tải trọng. Theo ông Schuster, các mẫu F-35 khi cất cánh từ Wasp sẽ phải thay đổi quá trình cất và hạ cánh, cũng như không thể mang quá nhiều nhiên liệu và vũ khí.

Ngoài ra, các tàu đổ bộ tấn công cũng không thể chở theo nhiều chiến đấu cơ như các tàu sân bay lớp Nimitz. Do vậy, ông Schuster cho rằng những giới hạn của tàu đổ bộ tấn công đồng nghĩa với việc USS Wasp có thể sẽ chỉ hoạt động cùng khu vực với một tàu sân bay.

Theo kế hoạch, tàu USS Wasp sẽ đóng tại tỉnh Sasebo của Nhật Bản và sẽ là tàu chủ lực trong nhóm tàu xung kích viễn chinh của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Đây cũng là mẫu tàu sẽ thay thế tàu USS Bonhomme Richard - loại tàu chưa được nâng cấp để chở mẫu F-35.

Sự xuất hiện của tàu sân bay USS Wasp ở khu vực Thái Bình Dương diễn ra trong thời điểm có nhiều thông tin tích cực trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí tổ chức cuộc đối thoại vào ngày 9/1 tới, với nội dung liên quan đến sự tham dự của đoàn thể thao Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc sắp tới.

Ngọc Anh