1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hải quân Mỹ sa thải thuyền trưởng tàu chiến bị hỏng động cơ tại Singapore

(Dân trí) - Thuyền trưởng một tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth của Hải quân Mỹ đã bị sa thải ngày 28/3, hơn 2 tháng sau khi tàu này phải tạm ngừng hoạt động và neo tại cảng của Singapore do trục trặc động cơ.


Sĩ quan Michael Atwell - cựu thuyền trưởng tàu Fort Worth (Ảnh: AFP)

Sĩ quan Michael Atwell - cựu thuyền trưởng tàu Fort Worth (Ảnh: AFP)

Nguồn tin Hải quân Mỹ cho biết sĩ quan, thuyền trưởng Michael Atwell vừa bị cách chức và sa thải sau khi cuộc điều tra vụ tàu USS Fort Worth được tiến hành và chiếc tàu này sẽ không được tiếp tục sử dụng. Vụ hỏng động cơ hôm 12/1 là lần thứ 2 tàu USS Fort Worth này gặp sự cố chỉ trong vòng một tháng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai tàu của Hải quân Mỹ.

Ông Michael Atwell là thuyền trưởng đầu tiên bị Hải quân Mỹ sa thải kể từ khi con tàu Fort Worth đi vào hoạt động hồi năm 2008.

Tuyên bố của Hạm đội Thái Bình dương nêu rõ, ông Atwell bị sa thải do quân đội không còn tin vào khả năng chỉ huy của ông này.

“Quyết định của Hải quân Mỹ được đưa ra dựa trên kết quả điều tra vụ việc ngày 12/1. Mặc dù cuộc điều tra vẫn đang được xem xét kỹ lưỡng, nhưng có đầy đủ căn cứ để miễn nhiệm và sa thải ông Michael Atwell”, tuyên bố cho biết.

Theo kết quả điều tra, Atwell phải chịu trách nhiệm về vụ việc do ông này đã không bao quát và chỉ huy cấp dưới thực hiện nhiệm vụ của mình, mà cụ thể là bảo trì, bảo dưỡng động cơ, dẫn tới việc động cơ bị hỏng do không được tiếp dầu bôi trơn.

Nguồn tin cũng cho biết ông Michael Atwell sẽ được điều động sang tàu tác chiến ven bờ Squadron 1. Trong khi đó, sĩ quan Lex Walker, phó chỉ huy tàu khu trục Squadron 7, sẽ tạm thời thay ông Atwell chỉ huy tổ thủy thủ 101.

Trang Defense News hồi tháng 2 đưa tin động cơ của tàu Fort Worth bị phát hiện gặp sự cố trong một buổi kiểm tra kỹ thuật ở quân cảng Changi, Singapore. Sẽ mất ít nhất từ 6 đến 12 tháng để khắc phục sự cố, lắp ráp các phần đã bị hỏng do thiếu dầu bôi trơn.

Theo các nguồn tin, do con tàu đang ở trong tình trạng hỏng hóc nặng nên cần được đưa về San Diego để kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ và đại tu. Việc sửa chữa có thể tiến hành ngay tại Singapore hoặc Nhật Bản xong chi phí sẽ đắt hơn. Dự tính, Mỹ cần khoảng 20-30 triệu USD để “cứu” chiếc tàu này.

Nhật Minh

Theo Navy Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm