Hai năm làm Tổng thống, ông Trump sa thải số quan chức kỷ lục
(Dân trí) - Chỉ sau gần 2 năm ông Donald Trump điều hành nước Mỹ, Nhà Trắng dưới thời ông đã ghi nhận số quan chức xin nghỉ việc và bị sa thải nhiều nhất trong lịch sử.
Tính tới tháng 3/2018, một thống kê cho thấy tỉ lệ quan chức Nhà Trắng dưới thời ông Trump xin nghỉ việc và bị sa thải đã lên tới 43%, con số cao kỷ lục so với những đời tổng thống trước đó. Tỉ lệ này ở những người tiền nhiệm Barack Obama, George W Bush, Bill Clinton hay Ronald Reagan chỉ là 10% sau 1 năm tại vị. Từ đó tới nay, đã có thêm nhiều quan chức rời Nhà Trắng.
Có nhiều lý do được giới quan sát đưa ra cho con số quan chức ra đi cao kỷ lục trên, chủ yếu nhấn mạnh vào kinh nghiệm chính trị chưa thật sự vững vàng của ông Trump, dẫn tới những bất đồng về mặt quan điểm và chính sách với những người dưới quyền.
Đây là một số những nhân vật tiêu biểu đã xin từ chức hoặc bị sa thải trong chính quyền Trump.
Vụ việc gần nhất diễn ra ngày 20/12 khi Bộ trưởng Quốc phòng Jame Mattis nộp đơn xin từ chức vì ông Mattis dường như bất đồng quan điểm về mặt chính sách với Tổng thống Trump. Gần đây nhất, ông và một số trợ lý an ninh quốc gia khác của chính quyền được cho là phản đối quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump về việc rút lực lượng quân sự Mỹ khỏi Syria.
Trước đó 5 ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke đã xin từ chức sau 2 năm phục vụ. Tuy nguyên nhân ông nghỉ việc chưa rõ ràng, nhưng giới thạo tin nói rằng ông Zinke dường như đang vướng phải điều tra xung quanh các vụ bê bối liên quan đến việc sử dụng đội ngũ an ninh, các chuyến bay cá nhân bằng quỹ công và một thỏa thuận bất động sản.
Ngày 8/12, ông Trump xác nhận Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly sẽ từ chức vào cuối năm nay. Ông Kelly được cho là đã không thể nói chuyện với ông Trump trong suốt thời gian cuối của nhiệm kỳ vì bất đồng quan điểm. Ngoài ra, ông được cho là cũng có xích mích với Đệ nhất Phu nhân Melania Trump và vợ chồng con gái ông Trump Ivanka Trump.
Ngày 13/11, văn phòng của Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump ngày 13/11 đã ra một tuyên bố chính thức kêu gọi sa thải phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - bà Mira Ricardel vì bà Ricardel “không còn xứng đáng vinh dự phục vụ trong Nhà Trắng”. Tới ngày 14/11, Nhà Trắng xác nhận quan chức này sẽ rời vị trí. Trong ảnh: Bà Ricardel ở ngoài cùng bên phải.
Tổng thống Trump ngày 7/11 đã sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngay sau bầu cử giữa kỳ. Ông Sessions vốn là một trong những ủng hộ mạnh mẽ ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Tuy nhiên, ông Sessions hứng không ít chỉ trích của người đứng đầu Nhà Trắng kể từ tháng 3/2017 khi ông rút khỏi cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ và nghi vấn chiến dịch của ông Trump thông đồng với Nga.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki R. Haley (phải) ngày 9/10 đã trực tiếp xin từ chức và được ông Trump chấp nhận. Bà Haley từng là Thống đốc bang South Carolina. Trước đây, bà có quan điểm chỉ trích đường lối của ông Trump, vì vậy khi Tổng thống Mỹ chọn bà làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc, quyết định này được cho là thiện chí của ông Trump.
Ông Scott Pruitt, giám đốc cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), đã nộp đơn xin từ chức ngày 5/7 sau khi trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận vì vướng vào ít nhất 10 bê bối liên quan tới việc sử dụng công quỹ sai mục đích.
Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin, người chịu trách nhiệm chuẩn bị hậu cần cho cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Singapore hôm 12/6, đã bất ngờ từ chức ngày 20/6. Ông Hagin là một quan chức kỳ cựu đã phục vụ nhiều đời tổng thống Mỹ và là một trong những cố vấn dày dặn kinh nghiệm nhất trong chính quyền ông Trump.
Ông Trump ngày 28/3 đã thông báo về sự "ra đi" của Bộ trưởng Cựu chiến binh David Shulkin với lý do bị cáo buộc sử dụng quỹ công và khoảng thời gian ông đi công tác ở châu Âu để kết hợp đi du lịch và đi xem giải thi đấu quần vợt Wimbledon. Ông Shulkin đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời hé lộ rằng một vài nhân vật trong chính quyền của ông Trump muốn tư nhân hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các cựu chiến binh và ông Shulkin đã mất chức vì ông phản đối quyết định này.
Tổng thống Trump ngày 22/3 quyết định sa thải Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và chọn ông John Bolton làm người kế nhiệm vị trí này do những bất đồng chính sách.
Tổng thống Trump ngày 13/3 đã bất ngờ thông báo ông Mike Pompeo sẽ thay thế ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ. Theo Reuters, những đồn đoán về sự ra đi của ông Tillerson bắt đầu rộ lên từ tháng 10 năm ngoái khi xuất hiện một số thông tin về mối quan hệ rạn nứt giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson.
Hope Hicks, một trong những trợ lý trẻ nhất và được tin tưởng nhất của ông Trump, ngày 28/2 tuyên bố từ chức Giám đốc truyền thông của Nhà Trắng. Cô Hicks, người được ví như con gái của ông Trump, luôn xuất hiện như hình với bóng bên cạnh ông từ chiến dịch tranh cử tới khi nhậm chức.
Bà Omarosa Manigault Newman giữ chức Trợ lý tổng thống kiêm Giám đốc truyền thông Phòng Kết nối Công chúng của Nhà Trắng trước khi nộp đơn xin từ chức vào tháng 1/2018. Sau khi từ chức, bà đã viết 1 cuốn tự truyện, tuyên bố kể lại “thâm cung bí sử” trong Nhà Trắng. Phía văn phòng tổng thống Mỹ đã bác bỏ các nội dung “chấn động” trong cuốn sách của bà Omarosa.
Tổng thống Donald Trump tháng 7/2017 đã sa thải Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci chỉ sau 11 ngày bổ nhiệm do lùm xùm liên quan tới những phát ngôn gây tranh cãi của quan chức này.
Trong 6 tháng tại vị, ông Reince Priebus mặc dù đã được Tổng thống Trump tin tưởng giao cho vị trí quan trọng hàng đầu tại Nhà Trắng, nhưng theo thời gian ông có vẻ “vật lộn” để khẳng định quyền lực của mình trong chính quyền. Dần dần, ông mất dần sự tin tưởng của Tổng thống Trump và cuối cùng bị sa thải vào tháng 7/2017.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, một tuần trước ngày tổng tuyển cử, Giám đốc FBI James Comey tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra về bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân của bà Hillary Clinton. Bản thân ông Trump đã khen ngợi ông Comey về hành động này. Tháng 5/2017, ông Comey bất ngờ bị Tổng thống Trump sa thải vì sai sót trong quá trình điều tra về bà Clinton. Ông Trump cho rằng ông Comey không còn đủ khả năng lãnh đạo FBI một cách hiệu quả.
Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn tháng 1/2017 đã từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Trump sau khi thông tin ông gặp gỡ Đại sứ Nga Sergei Kislyak bị phanh phui. Theo luật pháp Mỹ, việc một công dân bàn vấn đề ngoại giao với tư cách cá nhân là phạm pháp, vì thế sự ra đi của ông Flynn là điều đương nhiên.
Đức Hoàng
Ảnh: Reuters