1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hai miền Triều Tiên không thể thỏa thuận về khu công nghiệp chung

(Dân trí) - Theo hãng tin Yonhap, Triều Tiên và Hàn Quốc hôm nay đã kết thúc cuộc thảo luận tiếp theo về tương lai khu công nghiệp chung Kaesong mà không đạt được thỏa thuận nào.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận cuộc gặp hai miền đã kết thúc. Bộ này không cho biết chi tiết kết quả cuộc thương lượng mà chỉ thông báo cuộc gặp tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 2/7 tới.

 

Trong khi đó, hãng Yonhap dẫn một nguồn tin chính phủ nói: “Hai bên đã thất bại trong việc thu hẹp những nỗ lực về những vấn đề chủ chốt”. Tuy nhiên, tin cũng cho biết quan điểm của Triều Tiên “đã dịu bớt” và nói họ có thể nới lỏng những hạn chế về việc qua lại biên giới áp đặt từ tháng 12 năm ngoái.

 

Tin từ chối chi biết thêm thông tin về nhân viên Hàn Quốc bị phía Triều Tiên bắt giữ.

 

Tương lai khu công nghiệp Kaesong đặt ở biên giới phía Triều Tiên ngày càng trở nên không chắc chắn khi quan hệ hai miền có xu hướng leo thang căng thẳng cùng những bế tắc xung quanh vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

 

Triều Tiên đã yêu cầu phía Hàn Quốc tăng lương cho 40.000 công nhân Triều Tiên làm việc ở Kaesong (từ 75 lên 300 USD/tháng), trả 500 trăm triệu USD tiền thuê đất ở khu vực này (tăng hàng chục lần) và từ chối cho tiếp xúc với một nhân viên Hàn Quốc bị nước này bắt giữ từ hồi tháng 3. 

 

Trước vòng thương lượng lần này, đại diện 106 công ty của Hàn Quốc tại Kaesong và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak đã bác bỏ những yêu cầu về tài chính của phía Triều Tiên. “Nếu Kaesong đóng cửa, 40.000 công nhân Triều Tiên sẽ mất việc”, ông Lee nói với báo giới trong chuyến thăm Washington hồi đầu tuần. “Đó là lý do mà Triều Tiên phải chấm dứt đưa ra những yêu sách quá đáng, vì lợi ích của chính họ”.

 

Trong khi đó, có tin ngày càng nhiều công ty Hàn Quốc ở Kaesong xin rút khỏi khu công nghiệp này, trong khi những công ty khác đang yêu cầu chính phủ hỗ trợ tài chính khẩn cấp do công việc kinh doanh bị đình trệ vì quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

 

 

Nhật Mai

Theo AFP