1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hai kiểu chào đón Chủ tịch Trung Quốc ở Mỹ

Khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đặt chân đến bang Washington của Mỹ ngày 18/4, sự đón tiếp dành cho ông sẽ nồng nhiệt hơn là khi ông bước xuống điểm dừng chân tiếp theo - thủ đô Washington.

Trong thời gian 26 giờ ở Seatle, ông Hồ tới thăm Boeing và Microsoft với đoàn tháp tùng là các quan chức hàng đầu trong những ngành công nghiệp mạnh nhất của Mỹ, và được thống đốc bang chiêu đãi trọng thể một bữa tiệc tối tại dinh thự của người đàn ông giàu nhất hành tinh, Bill Gates.

 

Thông điệp mà ông Hồ mang tới đây là: sự lớn mạnh về kinh tế và chính trị của Trung Quốc không đe dọa Mỹ. Thành phố Seatle, nơi có trụ sở của hai công ty hàng đầu của Mỹ - vốn coi Trung Quốc là thị trường tuyệt vời nhất - là nơi thích hợp nhất cho thông điệp này.

 

"Bang Washington là nơi để nhìn mối quan hệ Mỹ - Trung dưới một góc độ khác", David Bachman, giáo sư và là chuyên gia về Trung Quốc tại đại hoạc Washington, nhận xét. "Đây là nơi mà cả hai bên đều thực sự nhận thấy mối quan hệ đáng khích lệ, nơi hai bên đều có chung nhận thức là họ đều có lợi".

 

Nhưng ngược lại, ở thủ đô Washington, "nhận thức chung về mối quan hệ này là tiêu cực", ông Bachman nói.

 

Nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng Trung Quốc đang buôn bán không công bằng, thể hiện ở nhiều điểm: từ chính sách tỷ giá thiên về xuất khẩu đến tình trạng lơi lỏng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Kết quả là sức ép chính trị nhằm buộc Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ và nhượng bộ trong các lĩnh vực kinh tế khác ngày càng mạnh.

 

Đấy mới chỉ là về kinh tế. Căng thẳng không kém là các vấn đề an ninh, trong đó có mối quan ngại của nhiều quan chức Mỹ trước các thông tin về việc Trung Quốc tăng sức mạnh quân sự, cũng như mối bất đồng trong vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran.

 

Kể từ mùa thu năm ngoái - thời điểm mà chuyến thăm này đáng lẽ diễn ra nhưng bị hoãn do bão Katrina - thì thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng thêm đáng kể, và cùng với nó là sự sốt ruột của người Mỹ trước chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.

 

Trong khi lưu lại Seatle, ông Hồ dự hai bữa tiệc với các quan chức bang, doanh nhân và lãnh đạo cộng đồng. Mỗi nhân vật dự tiệc tối tại nhà của tỷ phú Bill Gates và tiệc trưa của ngày tiếp theo đóng góp 20.000 USD cho nhà tổ chức. Nếu chỉ dự tiệc trưa thì "vé vào cửa" là 7.500 USD

Nhằm làm dịu bớt căng thẳng về chuyện này trước khi ông Hồ công du, một phái đoàn Trung Quốc do đã thực hiện chiến thuật "ngoại giao ký séc", cam kết mua hàng loạt sản phẩm của Mỹ với giá trị lên tới 16 tỷ USD. Một phần tư lượng sản phẩm này có xuất xứ từ bang Washington: Boeing sẽ bán 80 chiếc 737 mới; Microsoft nhận được cam kết rằng các nhà sản xuất máy tính phải cài phần mềm hợp pháp khi bán máy vào Trung Quốc.

 

Bang Washington sẽ được rất nhiều nếu quan hệ thương mại Mỹ - Trung thuận buồm xuôi gió, và sẽ mất rất nhiều nếu tình thế ngược lại. Bang này xuất 5 tỷ USD, chủ yếu là máy bay, sang Trung Quốc trong năm ngoái.

 

"Với Trung Quốc, luôn có những khó khăn", Larry Dickenson, trưởng bộ phận bán hàng châu Á của Boeing nói. "Nhưng điều đó không làm chúng tôi nản lòng, bởi chúng tôi tin vào triển vọng".

 

Còn Microsoft đã làm việc với chính phủ Trung Quốc suốt 15 năm qua về các vấn đề đầy thách thức và nhạy cảm, Pamela Passman, phó chủ tịch phụ trách các công việc toàn cầu của hãng, cho biết. "Chúng tôi phấn khởi với những tiến triển mới đây", bà nói. "Chúng tôi biết rằng để có được kết quả như hiện nay, cần đi một chặng đường dài."

 

Vì thế, những công ty này dường như có thuận lợi hơn các chính khách Mỹ khi giải quyết các bất đồng với người Trung Quốc.

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/Seatle Times