1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hai "kịch bản" của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

Tự nguyện từ chức hay bị luận tội, đó là hai kịch bản mà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang phải đối mặt do vai trò của bà trong vụ bê bối đang đẩy “xứ sở kim chi” vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Nhiều khả năng, Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên chứng kiến một tổng thống do dân bầu phải kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn.

Hồi cuối tuần qua, các đảng đối lập ở Hàn Quốc đã trình kiến nghị luận tội bà Park lên Quốc hội với cáo buộc bà đã vi phạm Hiến pháp, để cơ quan lập pháp này xem xét thông qua dự kiến vào ngày 9-12.

Phe đối lập tuyên bố bà Park đã lạm dụng quyền lực và đã để cho người bạn thân là bà Choi Soon-sil, một người không nắm giữ chức vụ gì trong chính phủ can thiệp vào công việc nhà nước, cụ thể là đã nhiều lần xem trước và chỉnh sửa một số bài phát biểu cũng như tài liệu khác của Tổng thống Park và gây rối thị trường thông qua việc ép nhiều tập đoàn kinh tế lớn phải quyên tiền cho hai quỹ phi lợi nhuận mà bà này thành lập và điều hành.

Cuộc biểu tình cuối tuần lần thứ 6 phản đối Tổng thống Park Geun-hye diễn ra hôm 3-12. Ảnh: Yonhap
Cuộc biểu tình cuối tuần lần thứ 6 phản đối Tổng thống Park Geun-hye diễn ra hôm 3-12. Ảnh: Yonhap

Nhiều người trong chính giới Hàn Quốc cũng như người dân rất bất bình về việc này, gọi bà Choi là “Tổng thống trong bóng tối” và bà Park là “con rối” trong tay bà Choi, đồng thời nhấn mạnh đây là điều không thể chấp nhận được.

Tính tới thời điểm hiện tại đã diễn ra 6 cuộc biểu tình rầm rộ với quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà các nhà tổ chức tuyên bố là lên đến hàng triệu người tham gia, do các đảng đối lập và các tổ chức dân sự đứng đầu, đã diễn ra tại quảng trường trung tâm thủ đô Seoul, ngay sát Phủ Tổng thống, đòi Tổng thống Park từ chức.

Trong hai cuộc biểu tình gần đây nhất, những người biểu tình thậm chí đã bao vây Phủ Tổng thống và yêu cầu bà Park phải ngay lập tức từ chức. Một điều đáng chú ý là các cuộc biểu tình gần đây bắt đầu có sự tham gia của sinh viên, một lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc biểu tình dẫn đến việc chấm dứt chế độ độc tài quân sự tại Hàn Quốc trong thập niên 80 của thế kỷ trước.

Còn trong nội bộ đảng Saenuri cầm quyền, phe trung thành với Tổng thống Park ban đầu thì đồng ý kiến nghị luận tội, nhưng sau đó thay đổi lập trường và nêu ý kiến rằng, nếu nhà lãnh đạo này tự nguyện từ chức vào cuối tháng 4-2017, họ sẽ không tham gia bỏ phiếu kiến nghị luận tội; trong khi những người không ủng hộ bà Park lại kêu gọi bà tới ngày 7-12 phải đưa ra kế hoạch cụ thể cho việc từ chức, nếu không họ sẽ ủng hộ việc luận tội.

Theo quy định hiện hành của Hiến pháp Hàn Quốc, trong trường hợp tổng thống bị luận tội, Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để phán quyết việc luận tội có hợp lý hay không và trong khoảng thời gian này, tổng thống sẽ bị đình chỉ chức vụ và trao quyền điều hành công việc nhà nước cho nhân vật số hai là thủ tướng.

Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết, việc luận tội là không hợp lý thì tổng thống sẽ trở lại nắm quyền. Còn trong trường hợp tổng thống từ chức, Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày kể từ ngày Tòa án Hiến pháp ra phán quyết.

Nhiều chính đảng tính toán rằng nếu Tổng thống Park từ chức ngay bây giờ thì khoảng thời gian 60 ngày là không đủ để họ chuẩn bị ứng cử viên của mình cho cuộc bầu cử, do đó họ nghiêng về phương án luận tội Tổng thống.

Về phía Tổng thống Hàn Quốc, với nỗ lực xoa dịu sự tức giận của công chúng, bà Park đã 3 lần đăng đàn phát biểu trước quốc dân, bày tỏ xin lỗi về những gì mà bà đã gây ra cho đất nước, tuyên bố rằng bà đã “mất cảnh giác” với người khác chứ không hề vụ lợi cá nhân.

Tuy nhiên, những lời xin lỗi này đã tỏ ra phản tác dụng vì sự phản đối của người dân sau đó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Thực tế đó cho thấy, cho dù chính trường Hàn Quốc có diễn biến theo hướng nào đi nữa thì cơ hội để bà Park ở lại Nhà Xanh cho đến hết nhiệm kỳ là rất mong manh.

Cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến Tổng thống Park đang bao trùm khắp Hàn Quốc, nhưng điều đáng lo ngại hơn là cuộc khủng hoảng này không chỉ gói gọn trong phạm vi một nước, mà nó đang đặt những sáng kiến chiến lược, thỏa thuận hợp tác giữa “xứ sở kim chi” và một loạt nước lớn vào thế dở dang, không biết sẽ được thực thi thế nào trong thời gian tới.

Giáo sư Hans Schattle, giảng viên Trường Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận định rằng, cuộc khủng hoảng chính trị này đã tạo ra khoảng trống lãnh đạo có thể làm hao mòn những tham vọng quốc tế của Hàn Quốc.

Trong khi đó, tờ Japan Times nhận định “việc bà Park từ chức có thể thay đổi những tính toán của Nhật Bản trong các mối quan hệ song phương cũng như bức tranh an ninh khu vực”.

Trong bài viết có tiêu đề “Đề nghị từ chức của bà Park gây thêm sự không chắc chắn cho các mối quan hệ song phương”, trang Asahi Shimbun của Nhật Bản đặt câu hỏi “mối lo ngay lập tức là bà Park có tham dự cuộc họp thượng đỉnh 3 bên Trung - Nhật - Hàn đã rất mất công lên kế hoạch tổ chức ở Tokyo tháng 12 hay không?” Trong trường hợp xấu là bà Park không thể tham dự, Asahi Shimbun dự đoán “Thủ tướng Hwang Kyo-ahn có thể thay mặt bà tham gia.

Nhưng trong tình thế Tổng thống Hàn Quốc đương chức sắp mãn nhiệm, chẳng có quyết định ngoại giao quan trọng nào có thể được đưa ra”. Ngoài ra, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ trì hoãn và thậm chí hủy bỏ việc triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Về quan hệ đa phương, tờ The Diplomat của Nhật Bản cho rằng, thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ hiện cũng đặc biệt quan trọng trong việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày một tăng lên từ CHDCND Triều Tiên.

Thế nhưng, thay vì triển khai các sáng kiến chiến lược, cùng các đồng minh và đối tác khu vực đối phó với mối đe doạ hạt nhân này, Chính phủ Hàn Quốc lại đang chìm trong vụ bê bối chính trị. Thất bại của Hàn Quốc trong vai trò dẫn dắt, đồng nghĩa với việc trì hoãn các sáng kiến và cản trở sự hợp tác 3 bên.

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm