1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hài hước trong chính trị Mỹ

“Đối với các chính khách, khôi hài đã trở thành một nghệ thuật nghiêm túc,” tờ New York Times khẳng định. Quả vậy, trong chính trường Mỹ hiện nay thật khó hình dung một nhà chính trị tên tuổi nào mà không có vài câu nói đùa đáng nhớ.

Khôi hài là một tiêu chuẩn không thể thiếu khi tham gia chính trường Mỹ. Thế nhưng, nếu bẩm sinh chính khách  không có năng khiếu đó thì sao? Không hề gì, luôn có những chuyên gia sẵn sàng cung ứng dịch vụ khôi hài.

 

Khi xuất hiện trong các chương trình này, các chính trị gia với quá trình chính trị đầy bí hiểm hầu như đều đã “lột xác”, trở thành những con người rất đời thường, rất hài hước và dễ mến. Rõ ràng khôi hài là một “công cụ” cực kỳ hiệu quả để những người nổi tiếng  hòa nhập với công chúng. Và các chính trị gia ở Washington đã không bỏ qua điều này.

 

Đặc trưng của chính trường Mỹ là vận động, thuyết phục (hay ít ra là phải tỏ ra như thế). Vì thế, khả năng hùng biện là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, các  đề tài chính trị thường phức tạp, nhàm chán và nhiều khi chẳng liên quan mật thiết mấy đến người nghe. Trừ các chính trị gia lừng lẫy tự bản thân đã toát lên sự hấp dẫn đối với quần chúng, còn số đông là những người “tầm tầm,” làm sao có thể “giữ” nổi một đám đông hàng trăm, hàng ngàn người trong vài giờ. “Vũ khí tối thượng” thường được các chính trị gia sử dụng trong trường hợp này là những câu đùa sắc bén “đánh thức” thính giả,  thu hút sự chú ý của người nghe.

 

Trong qui trình soạn thảo một bài diễn văn, việc tìm hiểu cặn kẽ thính giả và phân bố những câu nói đùa với liều lượng thích hợp đã trở thành một khâu không thể thiếu. Có cả một đội ngũ chuyên gia để làm việc này (mặc dù không có trường lớp nào đào tạo cả). Các “cây chọc cười” chuyên nghiệp này viết sẵn cho các chính khách những kịch bản hài hước (skit) rồi tiến hành tập dượt đàng hoàng.

 

Những skit này bao gồm cả lời thoại và điệu bộ. Qui tắc vàng bất thành văn ở thủ đô Washington là: những câu đùa phải “làm nóng rát nhưng không được đốt cháy bỏng”. Để  cân chỉnh liều lượng khôi hài phải cần đến các nhà chuyên nghiệp: “non” quá thì vô duyên (cứ thử hình dung bạn pha trò mà chẳng ai cười cả), mà “già” quá thì dễ gây phản cảm.

 

Vì thế, sau khi “diễn” xong bài phát biểu của mình tại dạ tiệc Gridiron lần 120 hồi tháng ba năm nay, thống đốc bang New Mexico Bill Richardson đã thở phào nhẹ nhõm: “Tôi phải thuê người viết hài và tập dượt rất kỹ càng. Lúc đầu cũng lo lắm, giờ thì tôi phải làm một điếu xì gà cái đã”.

 

Bí quyết nữa của một skit thành công là diễn giả tự giễu cợt bản thân. Đây là một ứng dụng nhỏ của thủ thuật phản thông tin. Ta tự phê bình một cách thành khẩn thì sẽ được mọi người cảm thông, đồng thời cũng chặn trước được những lời chỉ trích. Ngoài ra, việc tự “chọc” bản thân cho phép ta có quyền bông đùa người khác.

 

Tổng thống Bush, vốn bị mọi người coi là “cái bóng” của Phó tổng thống Cheney, đã lôi chính chuyện đó ra đùa trong một buổi gặp mặt có các thành viên mới được bổ nhiệm của nội các Mỹ: “Này Dick, hay là ông giới thiệu tôi với họ đi”. Đương nhiên câu nói đùa đắt giá này đã được chuẩn bị từ trước.

 

Một câu đùa “trúng” phải liên quan đến chủ đề thời sự và hết sức ngắn gọn, chỉ mỗi một câu. Có một dạo dư luận Mỹ ầm ầm đòi Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld, 73 tuổi, từ chức vì những vụ bê bối trong quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Cùng lúc đó nổi lên một vấn đề nóng hổi khác là chế độ chính sách cho người về hưu. Tổng thống Bush gặp rất nhiều phản đối trong kế hoạch cải tổ chương trình này. Thế là gộp cả hai trong một: “Chúng ta phải cải tổ, nếu không thì Rumsfeld sẽ chẳng bao giờ chịu về hưu!”.

 

Hài hước đã trở thành một “công nghệ” tinh vi trong chính trường Mỹ. Hai “thợ hài” có giá nhất hiện nay là Landon Parvin và Mark Katz. Parvin, 56 tuổi, hiện đang viết cho các chính trị gia Đảng Cộng hòa, trong đó có Tổng thống Bush và phu nhân. Ông làm nghề này từ thời tổng thống Reagan. Ông cũng viết cho một số bạn bè thuộc Đảng Dân chủ.

 

Trong khi đó, Katz, 41 tuổi, chuyên viết cho Đảng Dân chủ. Ông  là tác giả nhiều câu đùa trứ danh của cựu Tổng thống Clinton. Katz thậm chí còn thành lập “Viện Soundbite” chuyên cung ứng dịch vụ: biến các bài phát biểu nhàm chán trở nên hài hước, hấp dẫn; chuyển tải các thông điệp quan trọng bằng những câu nói súc tích, ấn tượng và dễ trích dẫn. Khỏi phải nói những người này có thu nhập “dễ chịu” như thế nào vì khách hàng của họ không chỉ là những chính trị gia mà đã mở rộng sang các giám đốc điều hành, chủ tịch công ty.

 

Các “thợ hài” bận rộn quanh năm. Thế nhưng, có bốn dịp mà họ bận nhất. Đó là các dạ tiệc của giới có máu mặt ở Washington. Đầu tiên là dạ tiệc tổ chức vào tháng một của Câu lạc bộ Alfafa, thành lập từ năm 1913, gồm khoảng 200 thành viên toàn là các chính trị gia hàng đầu và các ông trùm tài chính, công nghiệp và truyền thông.

 

Thường có khoảng gần 600 khách mời và mặc dù báo chí bị cấm nhưng bằng cách nào đó, những diễn biến trong khách sạn Hilton xa xỉ vẫn cứ được tường thuật chi tiết trên mặt báo. Kế đó là hai bữa tiệc của báo giới tổ chức vào tháng ba, một của Gridiron Club và một của Hiệp hội Phóng viên truyền hình và phát thanh. Nhà Trắng đáp lễ lại dạ tiệc vào đầu tháng năm của Hiệp hội Những phóng viên Nhà Trắng. Trong những dịp này, các chính trị gia, trong đó có cả tổng thống, phải tập dượt cật lực để có được những câu đùa đáng lưu danh. Vì thế, nếu lần tới bạn nghe thấy một câu đùa “đáng yêu” từ Tổng thống Mỹ, rất có thể đó chỉ là một câu trong kịch bản đã soạn sẵn”.

 

Theo Thành Vũ

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm