1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hà Lan sắp chuyển 18 tiêm kích F-16 cho Ukraine, xung đột nóng từng ngày

Thành Đạt

(Dân trí) - Hà Lan thông báo sắp chuyển giao 18 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine để hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột, bất chấp cảnh báo cứng rắn của Nga.

Hà Lan sắp chuyển 18 tiêm kích F-16 cho Ukraine, xung đột nóng từng ngày - 1

Máy bay chiến đấu F-16 (Ảnh: Getty).

"Hôm nay, tôi đã thông báo cho Tổng thống (Ukraine Volodymyr) Zelensky quyết định của chính phủ Hà Lan về việc chuẩn bị 18 máy bay chiến đấu F-16 để chuyển giao cho Ukraine", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo trong một bài đăng trên mạng xã hội X hôm 22/12.

"Việc chuyển giao F-16 là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong các thỏa thuận hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Bên cạnh giấy phép xuất khẩu, một số tiêu chí khác cũng phải được đáp ứng trước khi quá trình chuyển giao có thể diễn ra, bao gồm các yêu cầu về nhân sự và cơ sở hạ tầng", ông Rutte cho biết.

Theo Thủ tướng Rutte, quyết định trên "khẳng định cam kết không suy giảm của Hà Lan trong việc cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để đối phó với hành động của Nga".

Quan chức Hà Lan nói thêm rằng, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, hai bên cũng thảo luận quyết định của Hội đồng châu Âu về việc bắt đầu các cuộc đàm phán để kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Zelensky cho biết ông cảm ơn Thủ tướng Rutte về quyết định chuyển giao F-16 cũng như sự ủng hộ tích cực của Hà Lan đối với quyết định mở các cuộc đàm phán kết nạp Ukraine vào EU.

Hà Lan đã gửi những chiếc F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất tới cơ sở đào tạo mới dành cho phi công và nhân viên Ukraine ở Romania vào tháng 11.

Đan Mạch, Na Uy và Bỉ cũng tuyên bố sẽ cung cấp F-16 cho Ukraine, sau khi chính phủ Mỹ chấp thuận việc gửi các máy bay chiến đấu này tới Ukraine để hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột ngay khi khóa đào tạo phi công hoàn tất.

Theo ước tính, nếu các nước trên cùng giao F-16 trong năm sau, Ukraine có thể có 60 chiếc. Forbes nhận định, 60 chiếc F-16 đủ để Ukraine có thể thay đổi thế áp đảo của Nga trên không phận và đẩy lùi các máy bay ném bom lượn của Moscow.

F-16 có cảm biến, thiết bị tác chiến điện tử phòng thủ và vũ khí tốt hơn so với Su-27 hoặc MiG-29 mà Ukraine đang sở hữu. Vì vậy, F-16 có thể có khả năng sống sót cao hơn khi không chiến trực diện với máy bay Nga mang bom lượn, hoặc né tránh lá chắn phòng không Moscow hiệu quả hơn.

Trong không chiến, lợi thế của F-16 chính là khả năng không chiến tầm trung bằng tên lửa AIM-120 cùng chiến thuật bắn rồi bỏ chạy. F-16 có thể bay thấp để tiếp cận mục tiêu rồi tăng độ cao bất ngờ để nhanh chóng tấn công rồi rút đi ngay lập tức. Sự linh hoạt của tiêm kích này giúp nó trở nên nguy hiểm so với các tiêm kích hạng nặng ít cơ động hơn. 

F-16 là tiêm kích do phương Tây sản xuất nên nó dễ tích hợp và phát huy tối đa hiệu quả các vũ khí tầm xa như tên lửa Storm Shadow, SCALP hay bom lượn JDAM-ER hơn là các tiêm kích có từ thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng. 

Ukraine và phương Tây tin rằng F-16 có thể giúp Kiev giành ưu thế trên bầu trời trước sự áp đảo của Nga trong suốt thời gian qua. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cảnh báo toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cấp cho Ukraine có thể bị bắn hạ trong chưa đầy 3 tuần.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cũng cảnh báo Ukraine có nguy cơ kéo NATO vào xung đột nếu triển khai tiêm kích ở lãnh thổ các nước thành viên liên minh lân cận.

Alexander Volgaryov, phó đặc phái viên của Nga tại OSCE, hôm 14/12 cho rằng các nước thành viên châu Âu của NATO nên bắt đầu suy nghĩ về những hậu quả thảm khốc đối với an ninh toàn châu Âu do những động thái thiếu cân nhắc trong việc sử dụng máy bay chiến thuật chiến đấu.

Theo Reuters