1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Gọi điện chúc mừng Tổng thống Putin, ông Trump muốn dàn hòa với Nga?

Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ lời cảnh báo của cố vấn an ninh quốc gia khi lên tiếng chúc mừng ông chủ điện Kremlin trong cuộc điện đàm.

Sau một thời gian ngắn im hơi lặng tiếng, ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ gọi điện chúc mừng Tổng thống Nga Putin chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hôm 18/3 vừa qua. Động thái này của Tổng thống Donald Trump được đánh giá là một “cử chỉ thiện chí”, song cũng vấp phải không ít sự chỉ trích từ một số nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp. Ảnh: Reuters.

Tiềm năng một cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Donald Trump cho biết, hai bên sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về quan hệ song phương và những vấn đề cả Nga, Mỹ cùng quan tâm: “Tôi đã có cuộc gặp Tổng thống Nga Putin và chúc mừng ông chiến thắng trong cuộc bầu cử. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thể gặp nhau để thảo luận về vấn đề chạy đua vũ trang, tình hình Ukraine, Syria và Triều Tiên…”

Tuy nhiên, ông Donald Trump không đề cập tới vấn đề đang châm ngòi căng thẳng ngày càng gia tăng của phương Tây với Moscow - đó là vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái của ông ở Anh.

Về phía Nga, cơ quan báo chí của Điện Kremlin cho rằng, nhìn chung cuộc điện đàm diễn ra trong bầu không khí xây dựng, tập trung khắc phục những vấn đề gây cản trở quan hệ song phương. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Mỹ đang trong tiến trình tái cơ cấu. Cuộc điện đàm cũng đề cập khả năng xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát vũ khí, hai nhà lãnh đạo đã lên tiếng ủng hộ việc phát triển mối quan hệ hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm đảm bảo ổn định chiến lược và chống khủng bố quốc tế. Cả Tổng thống Putin và Tổng thống Donald Trump đều nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực phối hợp nhằm kiềm chế chạy đua vũ trang, khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực năng lượng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thảo luận tình hình ở Syria và Ukraine. Bên cạnh đó, 2 nhà lãnh đạo còn bày tỏ sự hài lòng khi tình hình quanh bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng trong thời gian gần đây, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục có nỗ lực nhất quán nhằm giải quyết tình hình bằng các phương tiện hòa bình.

Vì sao Tổng thống Donald Trump bất chấp búa rìu dư luận?

Cuộc điện đàm với Tổng thống Putin – được nhà lãnh đạo Donald Trump gọi là "một cuộc đối thoại tích cực", song lại làm dấy lên những chỉ trích ngay trong nội bộ nước Mỹ, giữa lúc công tố viên đặc biệt đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và sự liên lạc của đội ngũ tranh cử của ông Trump với quan chức Nga. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain đã phản pháo ông Trump về cuộc gọi chúc mừng này, cho đây là sự “xấu hổ”.

Theo tờ Washington Post, Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ lời cảnh báo của cố vấn an ninh quốc gia khi lên tiếng chúc mừng ông chủ điện Kremlin trong cuộc điện đàm. Trước cuộc điện đàm, các cố vấn an ninh đã đưa cho ông Trump một số bản ghi chú viết tay, liệt kê chi tiết những thông tin cần phải nói đến, trong số này có dòng chữ in hoa “KHÔNG CHÚC MỪNG”. Tờ báo trên cho biết, có thể ông Trump đã không đọc được dòng tin hoặc cũng có thể Tổng thống Trump vẫn bỏ ngoài tai mọi cảnh báo để chúc mừng và thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ với nhà lãnh đạo Nga Putin.

Giải thích về động thái của ông Trump, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói rằng, hành động của Tổng thống Donald Trump là hoàn toàn dễ hiểu bởi các nhà lãnh đạo Pháp, Đức đều gửi điện chúc mừng ông Putin. Thậm chí trước đó, cựu Tổng thống Barack Obama cũng chúc mừng ông Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2012. Theo bà Sanders, Tổng thống Trump mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga là để giải quyết những thách thức trên toàn cầu, đặc biệt là đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Khi trả lời câu hỏi liệu chính quyền Mỹ có cho rằng Nga đã tổ chức một cuộc bầu cử “tự do và công bằng”, bà Sanders khẳng định: “ Chúng tôi không phán xét hay can thiệp vào hoạt động của các quốc gia khác. Điều chúng tôi biết duy nhất hiện giờ là ông Putin đã tái đắc cử”.

Theo giới quan sát, có vẻ như ông Donald Trump đang muốn “dàn hòa” với Nga sau khi Tổng thống Putin đưa ra lời lẽ hòa dịu hơn với Mỹ và phương Tây khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử. Tổng thống Putin nhấn mạnh, ông không muốn một cuộc chạy đua vũ trang và sẽ làm mọi thứ có thể để giải quyết những bất đồng với các nước khác.

Mặc dù thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump thể hiện lập trường cứng rắn với Nga, song vẫn từ chối đứng về phía London, cho Nga là thủ phạm đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của ông Yulia. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng kiềm chế chỉ trích ông Putin trong bối cảnh cố vấn đặc biệt Robert S. Mueller kết tội 13 công dân Nga với cáo buộc tấn công mạng và âm mưu can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Ông Thomas Wright, giám đốc Trumg tâm nghiên cứu Mỹ và Châu Âu tại Viện Brookings nhận định, hành động của Tổng thống Donald Trump phát đi tín hiệu cho thấy ông muốn có một chính sách thân thiện hơn với Nga, trái ngược với nhiều nhân vật trong chính quyền của ông.

“Những tuyên bố mạnh miệng phản đối Nga mà ông Donald Trump đưa ra chỉ là trên trang Twitter hoặc ở cấp độ lý thuyết, trên giấy tờ. Sự thật chứng minh rằng, đến nay, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có các biện pháp trừng phạt dứt khoát, rắn tay đối với Nga như các chính phủ tiền nhiệm. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump luôn chủ trương chính sách cải thiện quan hệ với Nga”, ông Wright nói./.

Theo Hồng Anh

VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm