Góc khuất "nghề… giải khuây" ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản
Thoạt nhìn, First Dash chỉ là một quán bar trông rất bình thường ở khu vực Ni-chome thuộc quận khét tiếng ăn chơi Shinjuku của Tokyo, Nhật Bản. Tuy nhiên, khi khách hàng bước chân vào, một nhóm khoảng 8 thanh niên trẻ tuổi bật dậy, chào khách.
Họ chính là "trai bao", hay còn gọi là “urisen” với công việc chính là “giải khuây” cho khách hàng của First Dash, chủ yếu là nam giới.
Nhiều lý do dẫn đến nghề “mua vui”
Shingo, 28 tuổi, người quản lý của First Dash, cũng xuất thân từ urisen cho biết, các khách hàng thường là người đồng tính còn urisen phần lớn là thanh niên “thẳng”, cho dù một số người giả vờ dị tính để hấp dẫn khách hàng hơn. “Chúng tôi có 42 chàng trai, tuổi từ 18 đến 20”, Shingo nói.
Mới đầu khi đến phỏng vấn, không ai trong số họ biết chính xác công việc cụ thể là gì, thậm chí có người còn nghĩ họ sẽ được trả tiền để phục vụ các quý bà. “Thông thường bạn có thể hỏi thẳng là ai có thể đáp ứng yêu cầu công việc này. Chuyện về tiền bạc đôi khi sẽ thuyết phục được một số người còn do dự. Cũng có người quyết định thôi ngay và chuyển sang làm công nhân xây dựng với tiền công 5.000-8.000 yên một ngày. Trong khi những người chấp nhận công việc này có thể kiếm được số tiền đó chỉ trong 1 giờ ở đây”, quản lý Shingo nói.
“Nơi tôi làm trước đây có khoảng 100 urisen, trong đó chỉ có 10 người bình thường, còn lại đều đồng tính”, Ko, người đã vào nghề urisen được 3 năm nói.
Hiroshi của First Dash cho biết, thu nhập trung bình của anh là 10.000 yên/ngày và đây là chỉ là việc ban ngày. Một người khác, tự xưng tên là “Shota” và làm việc độc lập cho biết, thu nhập hàng tháng khoảng 150.000 yên. “Nó phụ thuộc vào khách hàng, một số người chỉ là người làm công ăn lương nên chi tiêu không thể phung phí, số khác là luật sư, bác sĩ, thậm chí là giáo viên. Tôi thậm chí đã nghe nói về việc chính trị gia nổi tiếng và những người nổi tiếng của Nhật Bản và nước ngoài tìm urisen để mua vui. Với họ, chúng tôi chỉ là một sản phẩm dịch vụ”.
Vẫn coi thường nguy cơ sức khỏe
Một trong những vấn đề được đặt ra là các urisen ở Nhật Bản không biết hoặc rất mơ hồ những bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, kể cả căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. “Nhiều người trẻ, dưới 25 tuổi, không biết về HIV/AIDS. Điều này khác với các nhóm tuổi lớn hơn, khi họ ý thức hơn về nguy cơ của bệnh dịch AIDS bởi những năm 1980-1990, Nhật Bản từng xảy ra chuyện 2.000 bệnh nhân rối loạn đông máu bị nhiễm HIV qua đường truyền máu”, ông Yuzuru Ikushima, Giám đốc điều hành Place Tokyo, chuyên cung cấp thông tin về phòng chống HIV và tham gia điều tra tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nam đồng tính cho biết.
Ngay như Hiroshi thừa nhận, đôi khi anh ta có quan hệ tình dục không an toàn, cả trong công việc và cuộc sống riêng tư, nhưng không quan tâm đến việc mắc bệnh AIDS. “Bây giờ bệnh này có thể chữa được, đúng không?”, anh ta nói.
Thực tế, việc thiếu hướng dẫn về sức khỏe tình dục có vẻ như đã tồn tại rất lâu trong những cơ sở này. “Chúng tôi không bao giờ đề cập đến những vấn đề như sức khỏe tình dục, bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc HIV cho nhân viên của chúng tôi trong các cuộc phỏng vấn. Tôi chắc chắn rằng tình dục không cần biện pháp bảo vệ cũng được yêu cầu. Chỉ có điều, vì lợi ích của họ, họ sẽ phải cẩn thận”, Ryo Tachibana thuộc câu lạc bộ Goldman ở Shinjuku nói.
Những kẽ hở luật pháp
Ngành công nghiệp urisen của Nhật Bản bắt nguồn từ giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của nước này những năm 1960-1970, mặc dù nguồn gốc của nó được cho là có từ thời kỳ Edo (1603-1868), khi quan hệ đồng giới khá phổ biến ngay trong tầng lớp tướng quân shogun. Nó tiếp tục tồn tại đến ngày nay bởi Luật Chống mại dâm ở Nhật Bản không đề cập đến quan hệ mua bán tình dục giữa nam giới.
Theo các chuyên gia, Chính phủ Nhật Bản chưa có kế hoạch sửa đổi luật này, mặc dù nó đã được bàn thảo kỹ lưỡng vào năm 2015 khi nghị sỹ của Đảng Dân chủ Tự do Takaya Muto bị buộc tội trả tiền để được quan hệ với một nam thanh niên 19 tuổi, và vụ án này không thể đưa ra tòa vì thiếu tính pháp lý.
Theo Yến Chi
An ninh thủ đô