1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Góc khuất đau đớn trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu tại Philippines

(Dân trí) - Cái chết của những người được cho là vô tội trong cuộc chiến chống ma túy khiến hàng nghìn đối tượng thiệt mạng tại Philippines luôn ẩn chứa những nỗi đau và cả sự hoài nghi về mục đích thực sự của chiến dịch đẫm máu này.

Quan tài màu trắng trong lễ tang của Allan Rafael tại Philippines (Ảnh: New York Times)
Quan tài màu trắng trong lễ tang của Allan Rafael tại Philippines (Ảnh: New York Times)

Tại một khu vực nghèo nàn gần thủ đô Manila, thi thể của Allan Rafael được đặt trong chiếc quan tài màu trắng, bên cạnh là những người thân đau khổ trước sự ra đi của người đàn ông bị mắc bệnh ung thư. Nơi Allan trút hơi thở cuối cùng là ở trong tù sau khi anh bị bắt trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Phía trên quan tài đặt những bức ảnh chụp Allan khi anh vẫn còn làm đầu bếp tại Trung Đông. Một bức ảnh khác do các nhà hoạt động gửi tặng cho người đàn ông quá cố, trên đó ghi dòng chữ: “Công bằng cho Allan, Hãy dừng giết chóc”.

Khi cảnh sát ập tới bắt Allan hôm 2/8, người đàn ông này đang bị mắc bệnh ung thư bạch huyết. Allan đã cố giải thích cho cảnh sát lý do khiến anh trông hốc hác như vậy.

Không phải do Allan nghiện ma túy, mà anh thực sự đang bị ốm. Allan đã trải qua quá trình hóa trị kể từ khi trở về Philippines hồi năm ngoái. Trước đó, Allan đã phải rời khỏi Ả rập Xê út để về nước điều trị căn bệnh ung thư của mình.

Tuy nhiên, cảnh sát bỏ ngoài tai mọi lời giải thích của Allan và một mực cho rằng anh là một con nghiện. Theo Aerun Rafael, em của Allan và là người từng đến thăm anh trai khi ở trong tù, Allan đã bị cảnh sát bắt giữ, đánh đập và tra tấn chỉ nhằm mục đích bắt anh phải thú nhận mình là đối tượng nghiện ma túy.

4 ngày sau khi bị bắt, Allan Rafael được thông báo đã qua đời. Em trai Allan cho biết một số vật dụng cá nhân của người đàn ông này cũng bị mất, gồm ví, đồng hồ đeo tay và điện thoại di động.

Hàng nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines (Ảnh: Reuters)
Hàng nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines (Ảnh: Reuters)

Cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Duterte phát động kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2016 đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Hầu hết cái chết của họ đều bị rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, sự ra đi của Allan Rafael đã trở thành tâm điểm chú ý của các thành viên trong cộng đồng người lao động Philippines ở nước ngoài - một cộng đồng đông đảo gồm những người được cho là trung thành với Tổng thống Duterte.

Nhóm Migrante International, tổ chức đại diện cho người lao động Philippines ở nước ngoài, đã tới giúp đỡ gia đình Allan và chỉ trích Tổng thống Duterte vì đã truyền bá “văn hóa miễn trừng phạt”, trong đó tiếp tay cho các sĩ quan cảnh sát tha hóa thực hiện các hành vi bạo lực.

“Thay vì trừng phạt các cảnh sát sai phạm, chính quyền Duterte chỉ đơn giản là luân chuyển những kẻ giết người này sang các vị trí khác, thậm chí còn đề bạt một vài người trong số họ”, Arman Hernando, chủ tịch Migrante International, nói tại đám tang của Allan Rafael.

Flordeliz, bạn gái 8 năm của Allan, cho biết cặp đôi đang lên kế hoạch làm đám cưới. Floerdeliz chia sẻ rằng Allan luôn là người lạc quan.

“Anh ấy là người mạnh mẽ. Sau khi trải qua quá trình hóa trị, anh ấy đã lên kế hoạch hồi phục sức khỏe và cuối cùng có thể quay trở lại làm việc”, Flordeliz nói.

“Chúng tôi chỉ mong muốn sự thật. Anh ấy đang cố gắng chiến thắng bệnh ung thư, nhưng rốt cuộc lại chết ở trong tù”, Flordeliz nói thêm.

Flordeliz và Allan gặp nhau tại tỉnh Leyte miền trung Philippines khi Allan chuẩn bị nhận bằng về quản lý khách sạn và du lịch. Bằng cấp được xem là tấm vé để Allan có thể nhận được một công việc ở nước ngoài và đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình anh.

Cuộc sống tại Leyte rất khó khăn, đặc biệt sau khi siêu bão Haiyan tàn phá khu vực này hồi năm 2013 và khiến ít nhất 6.300 người thiệt mạng. Gia đình Rafael đã may mắn sống sót sau thảm họa và Allan đã hứa sẽ làm việc để đưa gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Edmalyn Badeo Germanes, anh họ của Allan, mô tả Allan là người kín đáo nhưng tràn đầy quyết tâm. Allan “cũng ấp ủ nhiều giấc mơ cho gia đình mình”.

“Chúng tôi biết về bệnh tật của anh ấy và chúng tôi đều cầu nguyện cho anh ấy. Khi nghe tin anh ấy qua đời, ban đầu tôi nghĩ rằng căn bệnh ung thư cuối cùng đã cướp đi anh ấy. Nhưng sau đó tôi mới biết anh ấy đã chết dưới bàn tay của cảnh sát. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện này sẽ xảy ra đối với bất kỳ ai trong số chúng tôi”, Edmalyn nói.

Tâm lý ngờ vực

Những người biểu tình thắp nến tưởng niệm một năm sự ra đi của Kian delos Santos - học sinh 17 tuổi bị giết nhầm trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines năm 2017 (Ảnh: New York Times)
Những người biểu tình thắp nến tưởng niệm một năm sự ra đi của Kian delos Santos - học sinh 17 tuổi bị giết nhầm trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines năm 2017 (Ảnh: New York Times)

Cũng như nhiều gia đình Philippines khác, Edmalyn bỏ phiếu cho ông Duterte trong cuộc bầu cử năm 2016. Khi đó, họ đặt niềm tin vào cam kết xóa sổ vấn nạn ma túy từng tàn phá nhiều khu vực tại Philippines của ông Duterte.

“Ban đầu tôi lựa chọn một ứng viên khác nhưng gia đình tôi đã thuyết phục rằng người Philippines cần một người đàn ông, một vị tổng thống mạnh mẽ. Nhưng bây giờ, tôi không còn chắc chắn về điều đó”, Edmalyn chia sẻ.

Theo thống kê của cảnh sát, hơn 4.500 đối tượng nghiện và buôn bán ma túy đã bị giết kể khi ông Duterte lên nắm quyền. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền tin rằng con số thiệt mạng trên thực tế có thể lên tới hơn 12.000 người.

Năm ngoái, Tổng thống Duterte đã tạm thời đình chỉ toàn bộ các chiến dịch chống ma túy của cảnh sát sau khi 3 thiếu niên bị giết nhầm. Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội tại Philippines. Tuy nhiên tới tháng 12, ông Duterte tiếp tục nối lại các chiến dịch và tuyên bố các chiến dịch này sẽ kéo dài cho tới khi nhiệm kỳ 6 năm của ông kết thúc.

Theo New York Times, những cảnh sát bắt giữ Allan Rafael từ chối trả lời câu hỏi phỏng vấn. Trong khi đó, thông báo của Sở Cảnh sát Manila cho biết họ đã bắt đầu mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc.

Jacqueline de Guia, phát ngôn viên của Ủy ban Nhân quyền độc lập, đã kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về cái chết của Allan Rafael và đề nghị trừng phạt bất kỳ sĩ quan cảnh sát nào mắc sai phạm.

“Điều đáng báo động là, ngay cả khi Cảnh sát Quốc gia Philippines đưa ra tuyên bố về việc thanh lọc nội bộ lực lượng, các cáo buộc về việc cảnh sát lạm dụng quyền hạn vẫn tiếp tục xuất hiện”, bà Jacqueline nói.

Hai ngày sau cái chết của Allan Rafael, Tổng thống Duterte đã ca ngợi lực lượng cảnh sát quốc gia vì đã xóa sổ tổ chức của những kẻ xấu xa và tiến hành cải tổ lực lượng. Ông cũng vui mừng vì cảnh sát đã bắt được khoảng 160.000 đối tượng phạm pháp liên quan tới ma túy kể từ khi ông lên nắm quyền. Nhà lãnh đạo Philippines kêu gọi các cảnh sát tiếp tục mạnh tay với các nghi phạm ma túy.

“Luật ở đây đó là, khi mạng sống của bạn gặp nguy hiểm và tự bạn cảm thấy rằng bạn có thể sẽ chết hoặc các con của bạn sẽ mất cha, đừng ngần ngại bắn chết (các nghi phạm). Tôi sẽ không bao giờ để các bạn phải vào tù. Tôi sẽ cử luật sư tới bảo vệ các bạn”, ông Duterte nói về việc cho phép cảnh sát xử tử tại chỗ các nghi phạm có hành vi chống trả trong các chiến dịch truy quét ma túy.

Thành Đạt

Theo New York Times