1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giới trẻ Trung Quốc nuôi mộng "cất cánh"

(Dân trí) - Trong bối cảnh Trung Quốc thiếu phi công trầm trọng do ngành hàng không ngày càng phát triển, nghề phi công đã trở thành một trong những công việc hấp dẫn nhất tại nước này.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Deng Lei muốn trở thành một phi công và đã bắt đầu làm quen với máy bay ngay từ khi còn trẻ. Cậu học sinh trung học 16 tuổi đã đưa một chiếc máy bay lên độ cao 305 mét, trở thành một trong những người Trung Quốc trẻ nhất được lái máy bay.

Sau vài tháng học lý thuyết, khoảng 30 sinh viên của Trường trung học số 57 tại Bắc Kinh đã dành thời gian nghỉ hè để tham gia hóa huấn luyện phi công. Họ dự kiến sẽ sớm được nhận bằng phi công.

Dự án trên do nhà trường, Ủy ban giáo dục Bắc Kinh cùng Hiệp hội phi công và chủ sở hữu máy bay Trung Quốc phối hợp tổ chức nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công tại Trung Quốc. Ngoài 60 giờ học lý tuyết, các sinh viên phải hoàn thành 40 giờ tập bay.

Nhưng bất chấp việc nhiều người đăng ký vào Trường trung học số 57 vì chương trình đào tạo phi công, nhiều người đã không thể thực hiện giấc mơ bay vì nghề này đòi hỏi rất khắt khe về mặt thể lực. Trong số hơn 300 người nộp đơn, chỉ 31 người được chọn cho vòng cuối cùng.

Deng, một trong số những người được chọn, đã trải qua quá trình huấn luyện bay tại một sân bay ở Tianjin từ 13/7-6/8.

"Sau bài thi thể lực, lý thuyết và việc lựa chọn dựa trên thành thích học tập, thật là hồi hộp khi cuối cùng có thể lái một chiếc máy bay thật", Deng nói.

Deng cho hay các sinh viên được chi làm 5 nhóm, mỗi nhóm 6 người. "Tôi rất hồi hộp khi lần đầu tiên bước vào buồng lái. Bạn phải kiểm tra và đảm bảo rằng tất cả các chỉ số đều chính xác", Deng nói.

"Nhưng tất cả các nỗ lực đó được đền đáp bằng giây phút bạn bay lên không trung. Trải nghiệm đó rất hồi hộp và có một không hai", Deng tâm sự.

Sau 2 tháng huấn luyện, những người tham gia sẽ được Hiệp hội hàng không dân sự cấp bằng lái máy bay tư nhân nếu họ vượt qua kỳ thi cuối và đạt độ tuổi theo yêu cầu. Điều này sẽ giúp họ có được lợi thế trong các trường đại học sau này, trong đó Đại học hàng không dân sự Trung Quốc.

Theo quy định, các học viên phải từ 16 tuổi trở lên mới được nhận bằng phi công tư nhân.

Deng cho hay có sự khác biệt lớn giữa việc học các kỹ thuật bay qua sách vở và điều khiển một chiếc máy bay trên thực tế.

"Thật hồi hộp khi điều khiển một chiếc máy bay, đặc biệt khi hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi một số kỹ thuật nhào lộn", Deng cho biết. "Ngoài việc cất cánh và hạ cánh, vốn được các hướng dẫn viên giúp đỡ vì công việc đó nguy hiểm, chúng tôi đều phải tự làm mọi công việc khác trên không".

"Phải dậy từ 5 giờ sáng hàng ngày và trèo lên máy bay là điều không dễ dàng, nhưng thật thú vị", Deng nói thêm.

Bên cạnh thể lực và thành tích học tập, học phí cũng là một trở ngại khiến nhiều người đam mê trở thành phi công không thể thực hiện ước mơ.

Wang Hongyan, mẹ của Deng, cho hay: "Chi phí cho khóa học tiêu tốn 150.000 nhân dân tệ (24.500 USD), không dễ cho các gia đình lao động như chúng tôi".

"Chúng tôi từng lưỡng lự về khoản tiền đó, nhưng số tiền đó cũng đáng vì cuối cùng Deng đã thực hiện được giấc mơ của mình. Một khi hoàn thành tất cả các bài thi, Deng sẽ dễ dàng hơn trong việc khi tuyển vào các trường đại học hàng không sau này", bà Wang nói.

Ngoài việc học được kiến thức và kinh nghiệm, bà Wang cho hay dự án đã giúp con trai bà trở nên tự tin hơn và cư xử ôn hòa hơn và cũng giúp Deng xây dựng tinh thần trách nhiệm, một yêu cầu cơ bản đối với các phi công.

Thiếu hụt nghiêm trọng

Theo Hiệp hội hàng không dân sự (CAA), Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu phi công trầm trọng trong 5-10 năm tới.

Theo CAA, Trung Quốc sẽ thiếu khoảng 18.000 phi công vào cuối năm 2015, trong khi số máy bay hiện thời không đáp ứng được nhu cầu.

Gao Yuanyang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghiệp hàng không dân sự thuộc Đại học Beihang, cho hay bất chấp việc số máy bay dân sự của Trung Quốc đã tăng lên 1.154 chiếc trong năm 2011nhưng khoảng 1/3 các máy bay này không thể cất cánh do thiếu phi công.

Theo CAA, việc điều khiển một máy bay tư nhân cũng ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Ngày càng có nhiều người sở hữu bằng lái phi công tư nhân, phần lớn trong số họ là ông chủ các công ty hàng không tư nhân và những người đam mê máy bay.

Để sở hữu bằng lái phi công tư nhân, học viên ít nhất phải trải qua 35 giờ bay, hoàn thành việc kiểm tra thể chất cũng các bài kiểm tra lý thuyết và nghiên cứu lý thuyết hàng không do CAA tổ chức.

An Bình
Theo China Daily