Giới siêu giàu "chạy" thị thực vàng
Dù bị cáo buộc tham nhũng, một số nhân vật siêu giàu người Nga và Ukraine vẫn nằm trong số hàng trăm người có được hộ chiếu Liên minh châu Âu (EU) thông qua chương trình "thị thực vàng" gây tranh cãi.
Từ năm 2013 đến nay, chính phủ Cyprus đã thu về hơn 4 tỉ euro nhờ cung cấp hộ chiếu EU cho những người siêu giàu trên khắp thế giới để đổi lấy tiền đầu tư của họ.
Theo tờ The Guardian (Anh), một danh sách hàng trăm người hưởng lợi từ chương trình nói trên của chính phủ Cyprus vừa bị rò rỉ, trong đó có nhiều doanh nhân nổi tiếng, cá nhân có ảnh hưởng chính trị đáng kể.
Trong số những cái tên mới có một cựu nghị sĩ Nga, những nhà sáng lập ngân hàng thương mại lớn nhất Ukraine và một tỉ phú cờ bạc. Theo The Guardian, chính phủ Cyprus đã bán tổng cộng hơn 400 hộ chiếu vào năm ngoái.
Trước năm 2013, danh sách những người hưởng lợi từ chương trình "thị thực vàng" có 2 cái tên đáng chú ý: tỉ phú kiêm nhà sưu tập nghệ thuật người Nga Dmitry Rybolovlev (từng mua căn biệt thự ở hạt Palm Beach, bang Florida - Mỹ của ông Donald Trump) và doanh nhân Rami Makhlouf, anh em họ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Người phát ngôn của ông Rybolovlev, hiện là chủ sở hữu khối tài sản 7,4 tỉ USD, tiết lộ ông này được cấp quốc tịch Cyprus sau khi trở thành nhà đầu tư tại Ngân hàng Cyprus (BOC). Trong khi đó, ông Makhlouf bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt với cáo buộc hưởng lợi từ tham nhũng năm 2008. Chính phủ Cyprus đã cấp quốc tịch cho người này vào năm 2010. Sau đó 1 năm, ông Makhlouf tiếp tục bị liệt vào "danh sách đen" của EU và bị thu hồi quốc tịch Cyprus sau khi cuộc nội chiến Syria nổ ra.
Kế hoạch cấp quốc tịch cho nhà đầu tư nước ngoài ở Cyprus bắt đầu từ năm 2013. Người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 2 triệu euro vào bất động sản hoặc 2,5 triệu euro vào công ty, trái phiếu chính phủ. Người được cấp quốc tịch không cần phải biết ngôn ngữ Cyprus và chỉ cần đến nước này một lần mỗi 7 năm.
Một số chính trị gia châu Âu đang lo ngại những chương trình "thị thực vàng" như ở Cyprus gây hại đến khái niệm quốc tịch của EU. Nghị sĩ Bồ Đào Nha Ana Gomes mô tả việc cấp "thị thực vàng" là một hành động "vô đạo đức và bất hợp lý".
Hồi năm ngoái, bà Gomes đề xuất các nước EU kiểm tra an ninh kỹ lưỡng đối với những người xin "thị thực vàng". Ủy ban châu Âu gần đây cũng điều tra xem liệu những biện pháp kiểm tra ứng viên xin "thị thực vàng" có được thực hiện nghiêm túc hay không.
Theo Phạm Nghĩa
Người lao động